Hiện nay, nhiều người dẫu có mức thu nhập cao nhưng không biết quản lý tiền bạc dẫn đến cảnh thường xuyên rỗng ví. Trái ngược với họ, có những bạn trẻ có ý thức học cách quản lý tài chính từ sớm, tìm kiếm cơ hội gia tăng thu nhập để nhanh chóng lo lắng cho cuộc sống của bản thân và gia đình.
Đó là câu chuyện của Đăng Quý, một chàng sinh viên 21 tuổi đến từ TP.HCM. Hiện mức lương của Đăng Quý từ công việc nhân viên phát triển web và dạy thêm buổi tối là 12 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, sau khi trừ hết các khoản chi tiêu thì anh chàng vẫn để dành được 5 triệu đồng. Không chỉ tiết kiệm được gần 50% thu nhập hàng tháng, Đăng Quý còn biết mang tiền tiết kiệm đi đầu tư để lo lắng cho tương lai.
Cùng gặp gỡ và trò chuyện với chàng trai trẻ này nhé.
Bí quyết tiết kiệm gần 50% thu nhập hàng tháng
“Với mình, cũng rất khó để một đứa con trai sống một mình ở thành phố, không còn xin tiền bố mẹ và phải tự trả tiền thuê trọ, có thể tiết kiệm được một khoản tiền dư hàng tháng. Bí quyết của mình gói gọn trong 1 nguyên tắc: Chuyển hết tiền lương vào quỹ tiết kiệm - Còn lại bao nhiêu mới tiêu xài", Đăng Quý nói.
Hàng tháng, Đăng Quý dành 7 triệu đồng cho tất cả chi phí cá nhân. Bao gồm 2,5 triệu đồng cho tiền thuê nhà ở ghép cùng 2 người bạn tại nhà chung chủ; 2 triệu đồng cho tiền ăn uống; 2,5 triệu đồng cho các chi phí sinh hoạt khác gồm tiền đi lại, tiền vui chơi cùng bạn bè, tiền học tập nâng cao kiến thức. Có thể nói, tất cả khoản chi cho cá nhân đều được Đăng Quý tự trang trải, ngoài trừ đóng học phí 11 - 13 triệu đồng/kì do bố mẹ anh chàng đảm nhận.
“Mình thấy việc tiết kiệm tiền không khó bởi bản thân là nam giới nên không cần mua sắm quá nhiều. Bạn tin không, nhưng hầu hết các khoản chi phí sinh hoạt của mình luôn cố định, ít có phát sinh thêm. Do đó, mình quản lý dòng tiền khá dễ dàng”, anh chàng bày tỏ.
Có mức lương hơn 10 triệu đồng khi vẫn còn là sinh viên là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ. Còn với Đăng Quý thì anh chàng cũng phải đánh đổi nhiều thứ.
Đăng Quý tâm sự: “Thời gian dành cho bạn bè và tụ tập bên ngoài cũng phải giảm bớt rất nhiều. Mình cũng thường xuyên phải tăng ca vào cuối tuần, còn buổi tối trong tuần thì chắc chắn phải ngồi làm việc rồi. Nói chung, mình thấy những thứ nhận được xứng đáng để mình đánh đổi. Với lại, mình muốn phát triển trong ngành này, nên sẵn sàng chịu khổ từ sớm để sau này mua được nhà và xe”.
Mang tiền tiết kiệm gửi vào đầu?
Với tư duy “không học cách quản lý tài chính từ sớm thì còn lâu mới giàu" do đó toàn bộ tiền tiết kiệm đều được Đăng Quý mang đi đầu tư. Chàng trai nhận thấy, số tiền nhàn rỗi hàng tháng không cao nên chỉ phân bổ vào 3 khoản là gửi tiết kiệm ngân hàng (30%), mua vàng (50% ) và mua chứng chỉ quỹ (20%).
Anh chàng cho biết: “Về gửi tiết kiệm, hiện mình đang chọn là gửi tiết kiệm online trên app ngân hàng. Về vàng, mình sẽ tích đến khi nào đủ tiền thì mua 1 chỉ. Mình cứ để dành vậy thôi và hạn chế bán nhất có thể. Mình mua vàng với suy nghĩ, về lâu dài ít nhất cũng có vàng cưới.
Còn lại, mình mua chứng chỉ quỹ và xem đó như tài khoản tiết kiệm luôn. Mình thấy lãi suất ổn hơn gửi tiết kiệm ngân hàng, tầm khoảng 15 - 20% từ đầu năm đến nay. Mình từng mua cổ phiếu và có khoản đầu tư riêng, cũng bỏ nhiều tiền nhưng âm quá. Do đó, mình đã bỏ cổ phiếu khoảng hơn 1 năm nay rồi"
Sau cùng, Đăng Quý cho rằng, các bạn trẻ dù có thu nhập chưa cao nhưng cũng nên hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư, dù chỉ là bằng 10-20% thu nhập. Bởi chi tiêu là quyền tự do của mỗi người. Và khi bạn gặp khó khăn tài chính thì cũng chỉ mình bạn tự đứng lên gánh vác.
“Đồng thời, mọi người cũng không nên áp lực với việc phải đạt được mức lương bao nhiêu so với bạn bè cùng trang lứa, quan trọng là bạn biết tìm đến nghề nghiệp có triển vọng, học quản lý tài chính và chi tiêu hợp lý từ sớm”, anh chàng nhận định.
Ảnh minh hoạ