Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao hôm 13/12 đã hoàn tất cáo trạng truy tố 86 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Báo Lao động đưa tin, trong vụ án này, VKSND Tối cao đã truy tố chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 bị can với các tội danh khác nhau.
Trong số 85 bị can bị truy tố có 45 lãnh đạo, cán bộ ngân hàng SCB bị viện kiểm sát truy tố các tội danh đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Trương Mỹ Lan lúc chưa bị bắt.
Báo Người lao động dẫn thông tin từ cơ quan tố tụng cho biết, sau khi sở hữu, nắm quyền chi phối chi phối hơn 91% cổ phần SCB, bị can Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các nhân viên tin tưởng, thân tín. Những người này đều có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Những người này được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt tại SCB, nhận mức lương cao từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/tháng. Thực tế, các lãnh đạo chủ chốt của SCB đều do Trương Mỹ Lan tuyển chọn và giao nhiệm vụ, trong đó có Trương Khánh Hoàng.
Trương Khánh Hoàng sinh năm 1986, là cử nhân tài chính - ngân hàng, Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Ông Hoàng được bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc SCB từ tháng 5/2021 và là quyền tổng giám đốc ngân hàng trẻ nhất ở thời điểm đó.
Báo VnExpress dẫn cáo trạng cho biết, bị can Trương Khánh Hoàng từng được tham gia nhiều cuộc họp lãnh đạo cấp hội sở của SCB theo triệu tập của bà Lan. Tại các cuộc này, Hoàng cùng lãnh đạo SCB sẽ ngồi nghe chỉ đạo của bà Lan về việc cho vay, số lượng tiền cần giải ngân, thời gian giải ngân, dùng tài sản gì đảm bảo, giải ngân tiền cho ai.
Nhận lệnh từ bà Lan, Hoàng giao các bộ phận chuyên môn làm thủ tục giải ngân. Riêng với khoản vay của nhóm bà Lan sẽ không có bộ phận kiểm tra vay vốn mà khi đến hạn, lãnh đạo SCB sẽ cùng bàn tìm phương án để trả gốc, lãi hoặc tất toán.
Cơ quan công tố cáo buộc, từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2021, Hoàng đã ký 253 tờ trình tái thẩm định, 349 biên bản họp hội đồng kinh doanh, 39 tờ trình đồng ý cho 386 khoản vay hơn 220.000 tỉ đồng.
Cựu quyền tổng giám đốc SCB Trương Khánh Hoàng. Ảnh: SCB
Báo Tuổi trẻ dẫn cáo trạng cho hay, mặc dù biết rõ các khoản vay của bà Lan và Vạn Thịnh Phát đều trái quy định pháp luật nhưng do được trả lương rất cao nên Hoàng cũng như nhiều cựu lãnh đạo SCB khác bất chấp các quy định để cho vay.
Ngoài mức lương "khủng", vào các dịp lễ, Tết, Hoàng còn nhiều lần được thưởng tổng số tiền 5 tỉ đồng.
Năm 2021, khi được bà Lan đưa vào ghế quyền tổng giám đốc, Hoàng đồng thời được thưởng 300.000 cổ phần SCB, tương đương 3 tỉ đồng.
Đặc biệt, vào tháng 7/2022, Trương Khánh Hoàng được chủ tịch Vạn Thịnh Phát cho 10 triệu cổ phần, tương đương 100 tỉ đồng theo mệnh giá.
Số cổ phần được thưởng, Hoàng để cho vợ, bố mẹ vợ đứng tên giúp. Cựu quyền tổng giám đốc SCB xin nộp lại toàn bộ số cổ phần này để khắc phục hậu quả.
Đến nay, bị Trương Khánh Hoàng đã nộp lại 9,85 triệu cổ phần.