Một ngày trước Thượng đỉnh Nga-Mỹ, Phần Lan vẫn bối rối vì "không biết ông Trump muốn gì"

Ngọc Nguyễn - Hồng Anh |

83% người dân Phần Lan có quan điểm tiêu cực về Tổng thống Trump, trong khi 76% người Phần Lan cũng chẳng ưa gì Tổng thống Putin.

Helsinki tất bật chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử

Khác với vẻ trầm lắng, yên bình thường thấy mỗi dịp hè, thủ đô Helsinki (Phần Lan) trong những ngày này đang tất bật hoàn tất những công tác chuẩn bị cuối cùng cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra vào thứ Hai (16/7) tới.

Tuy nhiên, khác với những hội nghị trước đây được tổ chức tại Helsinki với mục đích duy trì sự ổn định của châu Âu, cuộc thượng đỉnh lịch sử ngày 16/7 lại là cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo đã và đang khiến cho tình hình châu lục già này trở nên hỗn loạn.

Ông Janne Riiheläinen, một nhà bình luận an ninh quốc gia Phần Lan cho biết:

"Người dân Phần Lan có những cảm xúc trái ngược về cuộc họp này. Từ trước tới nay, đất nước chúng tôi luôn xây dựng hình ảnh là một quốc gia đóng vai trò trung gian, và chúng tôi cũng rất tự hào khi được là nước chủ nhà. Tuy vậy, cũng có nhiều người tỏ ra lo lắng về những điều ông Trump và ông Putin sẽ thống nhất trong cuộc gặp sắp tới".

Khi địa điểm cuộc họp thượng đỉnh được công bố vào cuối tháng trước, giới chức Helsinki đã nhanh chóng bắt tay vào hoạt động chuẩn bị cho cuộc họp.

Do thời gian chuẩn bị chỉ có vài tuần nên các viên chức đã tình nguyện hủy bỏ hoặc tạm hoãn kỳ nghỉ hè thường niên.

Chính phủ đã huy động lực lượng cảnh sát trên cả nước để đảm bảo đủ số lượng 2.000 sĩ quan làm nhiệm vụ trong hội nghị.

Ước tính 2.000 phóng viên nước ngoài sẽ đến Helsinki khiến cho các khách sạn đều đã "cháy" phòng trong những ngày tới.

Ví dụ, cũng như khoảng 1/3 lực lượng lao động của nước này, ông Juha Ristamäki, biên tập viên chính trị của tờ Iltalehti, một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn nhất tại Phần Lan, đáng lẽ sẽ đi nghỉ hè tại vùng nông thôn trong tháng 7. Nhưng với sự kiện sắp diễn ra tại Helsinki, tòa soạn của ông đang nỗ lực hết sức để cập nhật những tin tức mới nhất cho các độc giả.

Ông Ristamäki nói: "Người dân Phần Lan theo dõi rất sát sao những tin tức liên quan tới cuộc họp này. Chắc chắn đây là chủ đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay tại đất nước chúng tôi. Họ không chỉ quan tâm đến các vấn đề chính trị, mà còn muốn cập nhật cả những chi tiết bên lề và những ồn ào xung quanh hai vị Tổng thống Nga và Mỹ".

Việc chuẩn bị gấp rút cho hội nghị thượng đỉnh thực ra không phải điều mới mẻ đối với Helsinki.

Nơi đây từng diễn ra các hội nghị thượng đỉnh giữa các cựu Tổng thống Nga và Mỹ, cụ thể là cuộc gặp giữa Tổng thống George H.W. Bush và Tổng thống Mikhail Gorbachev năm 1990 để thảo luận việc Iraq xâm chiếm Kuwait, hay cuộc họp giữa Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Boris Yeltsin năm 1997 để thảo luận về việc mở rộng khối NATO và kiểm soát vũ khí.

Một ngày trước Thượng đỉnh Nga-Mỹ, Phần Lan vẫn bối rối vì không biết ông Trump muốn gì - Ảnh 2.

Tổng thống George H.W. Bush và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga, tổ chức tại Helsinki năm 1990. Ảnh: TASS.

Tuy nhiên, có lẽ thành tựu ngoại giao đỉnh cao nhất của thành phố này là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô, Mỹ cùng 33 quốc gia khác trên thế giới nhóm họp nhằm thiết lập một khuôn khổ để giải quyết tình hình Chiến tranh Lạnh leo thang.

Kể từ sau khi Helsinki tổ chức thành công cuộc đối thoại đầy thiện chí giữa các quốc gia thù địch trong Chiến tranh Lạnh, trên thế giới đã hình thành khái niệm "tinh thần Helsinki", và tinh thần ấy vẫn ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Phần Lan ngày nay.

Ông Jan Vapaavuori, thị trưởng thành phố Helsinki cho biết: "Helsinki được chọn vì chúng tôi có kinh nghiệm, và là một trong số rất ít thành phố trên thế giới có khả năng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh trong thời gian rất ngắn".

Ông Vapaavuori cũng tái khẳng định lập trường trung lập của Helsinki: "Dù kết quả cuộc thượng đỉnh sắp tới là tốt hay xấu, thì mọi người cũng không thể khen ngợi hay đổ lỗi cho Helsinki. Chúng tôi chỉ đơn thuần là nhà tổ chức hội nghị mà thôi".

"Bất an và bất định"

Việc bán đảo Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Nga hồi năm 2014 là lần đầu tiên một nước sáp nhập lãnh thổ kể từ sau Thế chiến II. Politico cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang tham vọng phá bỏ trật tự an ninh do phương Tây kiểm soát.

Trong khi đó, Tổng thống Trump gần đây không hề giấu giếm những lời chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Thậm chí ông còn tuyên bố rằng EU đã được tạo ra "để lợi dụng nước Mỹ" và kiên quyết giữ nguyên yêu cầu rằng các thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng.

Thái độ của ông Trump gần đây đã khiến các đồng minh NATO hết sức lo ngại và nghi ngờ. Họ lo sợ rằng liên minh sẽ đổ vỡ nếu ông Trump quyết định rời bỏ đồng minh để làm thân với ông Putin.

Trong Chiến tranh Lạnh, Phần Lan đã khôn khéo giữ cân bằng giữa hai phe đối đầu. Điều này cho phép nước này hòa nhập nhanh chóng vào châu Âu trong khi vẫn giữ quan hệ hữu hảo với Moskva.

Sau đó, khi Liên Xô sụp đổ, nước này đã nhanh chóng gia nhập EU, tham gia khu vực đồng tiền chung châu Âu Euro, và hợp tác chặt chẽ với NATO và Mỹ. Tuy vậy, Helsinki vẫn tiếp tục duy trì quan hệ tốt với Moskva cho đến ngày nay.

"Hiện nay châu Âu đang cảm thấy khá bất định và bất an. Thực tế là chúng tôi đang phụ thuộc vào Mỹ quá nhiều trong lĩnh vực an ninh, và điều đó có nguy cơ không còn tồn tại sau hội nghị này", ông Riiheläinen cho biết.

Một ngày trước Thượng đỉnh Nga-Mỹ, Phần Lan vẫn bối rối vì không biết ông Trump muốn gì - Ảnh 4.

Lo ông Trump sẽ rời xa đồng minh để làm thân với ông Putin, các quốc gia NATO đang 'đứng ngồi không yên' trước thềm thượng đỉnh Nga-Mỹ. Ảnh: AP.

Lịch sử "phủ bóng" hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ

Trong khi ngoại giao và đối thoại là nền tảng của chính sách đối ngoại của Phần Lan, Tổng thống Trump và Putin lại là hai nguyên thủ thế giới duy nhất không nhận được sự ủng hộ của người dân Phần Lan.

Kết quả của một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 83% người dân Phần Lan - trong đó bao gồm 91% phụ nữ Phần Lan - có quan điểm tiêu cực về Tổng thống Trump. Cuộc khảo sát này cũng chỉ ra có tới 76% người Phần Lan cũng có quan điểm tiêu cực về Tổng thống Putin.

Trong bối cảnh cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Nga-Mỹ sắp diễn ra, người Phần Lan đang tìm cách bày tỏ sự không hài lòng của mình thông qua các phương tiện truyền thông và các cuộc biểu tình.

Ngoài các chủ đề nóng trên thế giới như cuộc chiến tranh tại Syria, xung đột với Ukraine và vũ khí hạt nhân, hai nước hầu như chưa tiết lộ gì thêm về cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.

Ông Alpo Rusi, người từng là cố vấn chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari và từng tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ năm 1997, nhận định rằng cuộc gặp sắp tới có khả năng chỉ là bước thăm dò những lĩnh vực có thể hợp tác giữa hai cường quốc này trong các cuộc gặp sau đó.

"Hồi năm 1997, chúng tôi đều được biết trước các bên tham gia hội nghị muốn đạt được điều gì từ đối phương. Nhưng tình hình hiện nay đã khác xưa. Chẳng ai thực sự biết chính xác ông Trump muốn gì khi tham gia cuộc họp này", ông Rusi nói.

Tuy vậy, ông cũng cho biết dù sao việc Mỹ và Nga quyết định đối thoại trong thời điểm căng thẳng có dấu hiệu gia tăng vẫn là một tín hiệu tích cực. Mối lo ngại lớn nhất hiện nay, theo ông Rusi, là cuộc đối thoại của hai ông Trump-Putin sẽ dẫn tới điều gì.

"Hy vọng rằng hai nguyên thủ có thể hiểu được 'tinh thần Helsinki', và không lặp lại những kịch bản như hội nghị Munich," ông Rusi ám chỉ hội nghị Munich tổ chức tại Đức vào năm 1938, khi lãnh đạo các nước Anh, Pháp và Italy cho phép chế độ Đức Quốc Xã Adolf Hitler sáp nhập phần lãnh thổ phía Tây nói tiếng Đức của Séc và Slovakia vào nước mình.

Thành phố Helsinki đã sẵn sàng cho thượng đỉnh Nga-Mỹ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại