Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn "thần khuyển nước Nam"

Long Nguyễn - Trần Khanh |

Với bản chất thông minh, trung thành tuyệt đối, kỹ năng sinh tồn hoàn hảo và đặc biệt là leo trèo, bơi lội rất giỏi, chó Phú Quốc là sinh vật kỳ lạ mang nét đặc trưng "không lẫn đi đâu được" của xứ đảo Phú Quốc.

Không phải ngẫu nhiên mà chó Phú Quốc được đặt cho những mỹ danh như “khuyển vương”, “sói lửa miền Tây” hay "thần khuyển nước Nam".

Bất cứ ai có dịp tiếp xúc với giống chó này đều thốt lên thích thú trước sự thông minh và nhanh nhẹn đến mức kỳ tài của chúng.

Do sống trên đảo, tách biệt gần như hoàn toàn với đất liền nên chó Phú Quốc sở hữu bộ gen đặc biệt thuần chủng, không hề bị lai tạp, khác hẳn so với những giống chó khác.

Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn thần khuyển nước Nam - Ảnh 1.

Đặc điểm nhận dạng của chó Phú Quốc chính là xoáy lông trên sống lưng chạy từ vai đến xương hông với hình dáng oai hùng.

Hiện nay, do cuộc sống trên đảo đã nhiều phần đổi khác, người dân không còn thói quen vào rừng săn bắt, hái lượm nên vai trò của chó Phú Quốc - một trợ thủ săn bắt đắc lực của con người - đã giảm đi đáng kể. Số lượng gia đình nuôi chó cũng vì thế cũng giảm.

Ra Phú Quốc dịp này, theo quan sát của PV Báo Lao Động, nơi đây hiện chỉ còn vài ba trại nuôi chó xoáy lớn. Một trong số đó của gia đình ông Đỗ Văn Thơ (SN 1957, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc).

Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn thần khuyển nước Nam - Ảnh 2.

Một trang trại bảo tồn và nhân giống chó Phú Quốc.

Ông Thơ kể với PV về quy mô trang trại: "Hiện tôi đang nuôi, gây giống hơn 50 con, chủ yếu thuần chủng. Trong đó có 4 con đực. Mỗi năm, con cái đẻ được 2 lứa. Mỗi lứa, đẻ từ 5-8 con. Quá trình thụ thai cho đến lúc đẻ khoảng 3 tháng 10 ngày".

Theo người chủ trại, những con chó lớn để nuôi nhân giống, còn chó con đẻ ra được 2-3 tháng thì có thể giá bán từ 3-6 triệu/con, lông càng nhiều vện thì càng được người mua ưa thích.

Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn thần khuyển nước Nam - Ảnh 3.

Ông Đỗ Văn Thơ chăm sóc đàn chó của mình.

Tuy nhiên hiện tại ông Thơ chưa có ý định bán chó, ông dự kiến khi nào đàn chó đạt trên 100 con mới bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh. Còn hiện giờ, lý do ông nuôi chó vì lo lắng chúng sẽ bị giảm sút số lượng, tỉ lệ nghịch với sự phát triển như vũ bão của đảo ngọc.

Người đàn ông 62 tuổi chia sẻ: Chó Phú Quốc thuần chủng sẽ có 4 màu cơ bản là vện, đen, vàng, đốm với lông ngắn sát da nên rất nhanh khô, phần đầu nhỏ, cổ dài, mõm dài, tai mỏng và nhọn, lưỡi có đốm đen, lưng thẳng, eo thon, ngực nở.

Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn thần khuyển nước Nam - Ảnh 4.

Leo trèo là sở trường của chó Phú Quốc.

Đặc biệt, chân chúng có màng như chân vịt nên bơi rất giỏi. Ngoài ra, khả năng săn mồi và leo trèo thì hiếm có giống chó nào có được.

"Chúng vẫn còn tập tính rất hoang dã là săn mồi và sống theo đàn, tôn sùng con đầu đàn. Chúng cũng leo trèo rất giỏi. Đứng trên cây rình mồi rồi thoắt cái lại phi xuống nhẹ nhàng như mèo vậy" - vị chủ trại hào hứng kể.

Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn thần khuyển nước Nam - Ảnh 5.

Người đàn ông 62 tuổi này có tình yêu vô bờ bến với chó Phú Quốc.

Ông Thơ cũng cho biết, mỗi khi sinh sản, các con chó của ông sẽ tự đào hang sâu, chui vào đẻ và nuôi con trong đó. Ngay cả những người thường xuyên chăm sóc cũng không biết chúng ở đâu.

Hằng ngày, chó mẹ ra ngoài săn mồi mang về nuôi con, sau đó nằm chặn cửa hang để chắn gió cho con khỏi lạnh cho tới khi con chúng cứng cáp rồi mới tha về cho nhập đàn.

Rồi chủ trại tiến tới một con chó đực lớn mà ông cưng chiều nhất, khoe nó con đầu đàn, cũng là con đẹp và giá trị nhất. Chú khuyển này đang trong một giai đoạn sinh học đặc biệt nên buộc phải xích lại. Nó có tai vểnh, ức lớn, bụng hẹp và mình dài... tướng mạo hùng dũng như tướng hổ.

Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn thần khuyển nước Nam - Ảnh 6.

Đây là con đực có nguồn gốc, giống tốt nên được chăm sóc rất cẩn thận, có cả sổ theo dõi sức khỏe định kỳ.

Ông Thơ kể, phần lớn số chó trong trại đều có huyết thống với con chó đực này. Vì thế, để tính toán sao cho không bị cận huyết, mỗi con chó sinh ra đều phải được lập danh sách và theo dõi chu kỳ rất gắt gao...

Nguồn gốc của chó Phú Quốc hiện tại vẫn là đề tài gây tranh cãi của nhiều người. Có người nói, cách đây hơn 400 năm, người Thái đã mang theo giống chó này đến buôn bán với đảo Phú Quốc.

Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn thần khuyển nước Nam - Ảnh 7.

Chân chó Phú Quốc có màng nên bơi rất nhanh và thuần thục.

Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn thần khuyển nước Nam - Ảnh 8.

Và cũng nhờ màng vịt mà chó Phú Quốc cũng đào hang rất giỏi.

Còn truyền thuyết cho rằng, những tàu buôn nô lệ của Pháp từ châu Phi đi qua đảo Phú Quốc có ghé vào mua thêm lương thực và nước uống để tiếp tục hải trình đã đưa giống chó xoáy này đến đảo Ngọc.

Cho dù có nguồn gốc ở đâu, nhưng trải qua thời gian tiến hóa, chó Phú Quốc đã trở thành một giống chó đặc biệt gắn liền với cuộc sống người dân đảo Phú Quốc.

Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn thần khuyển nước Nam - Ảnh 9.

Ngoài màu vàng lửa vện đen ra, chó Phú Quốc còn có màu nâu, đen, hai tai cụp xuống.

Một ngày kỳ thú ở trại bảo tồn thần khuyển nước Nam - Ảnh 10.

Ban ngày, chó Phú Quốc thường bỏ lên đồi núi. Đến chiều tối, tự quay về chuồng ăn ngủ.

Nhiều năm qua, chó Phú Quốc đã được thuần dưỡng như vật nuôi trong nhà, được nhiều người dân ở khắp nơi tìm mua, là niềm tự hào không chỉ của người dân trên đảo mà của cả Việt Nam.

Vậy nhưng khi hòn đảo càng phát triển, khách du lịch đến càng đông, thì một trong những mất mát lớn nhất đối với người dân Phú Quốc đó chính là sự mai một của loài chó xoáy quý hiếm này.

Clip chó Phú Quốc dễ dàng chinh phục độ cao hơn 2m (Youtube).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại