Năm nay (năm 2022), điểm chuẩn các ngành Lịch sử tăng mạnh so với các năm trước. Nguyên nhân được cho là do phổ điểm khối C00 tăng, nhóm ngành Lịch sử giảm chỉ tiêu xét tuyển.
Năm 2022, đỉnh phổ điểm khối C00 (Văn, Sử, Địa) là 19,5 – 20 điểm, trong khi năm ngoái là 17,5 – 18,5. Phổ điểm môn Lịch sử và Ngữ văn tăng cao, đặc biệt là môn Lịch sử. Cụ thể, ngành Sư phạm Lịch sử của trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên lấy 27,5 điểm, là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xét thang điểm 40, điểm chuẩn ngành Lịch sử cao thuộc top đầu với 37,5 điểm ở khối C00; 35,5 điểm ở khối C03; 37,5 điểm ở khối C19 và 35,5 điểm ở khối D14, R23. So với năm 2021, điểm chuẩn ngành này tăng từ 2,1 – 2,6 điểm. Ngành Lịch sử của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng tăng nhẹ. Trường lấy 24,6 điểm ở tổ hợp C00 và 24,1 điểm ở tổ hợp D01, D14, D15.
Nhiều người vẫn nghĩ Lịch sử là ngành học khô khan, kém thú vị, ra trường khó xin việc. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ có phần phiến diện. Ngày nay, nhiều bạn trẻ học ngành Lịch sử sau khi ra trường có việc làm tốt với mức đãi ngộ hấp dẫn. Hãy cùng tham khảo thêm thông tin về ngành Lịch sử cũng như những công việc tiềm năng liên quan đến ngành học này.
Ảnh minh họa.
AI CÓ THỂ THEO HỌC NGÀNH LỊCH SỬ?
Lịch sử là ngành nghiên cứu và phân tích các sự kiện, dấu mốc diễn ra trong quá khứ. Từ những nghiên cứu đưa ra những kết luận, đúc kết rút bài học và kinh nghiệm để tiếp thu, phát triển kiến thức một cách tốt nhất. Ngành Lịch sử học là ngành khoa học xã hội. Học ngành Lịch sử, bạn có thể học hỏi được nhiều hơn và làm các công việc một cách đa dạng.
Ngoài các công việc liên quan đến nghiên cứu, ghi chép các dấu mốc lịch sử, bạn có thể phát triển bản thân với nhiều công việc liên quan khác. Hiện ngành học này thiếu hụt về mặt nhân lực nghiên cứu. Nếu theo đuổi ngành Lịch sử, bạn sẽ có cơ hội việc làm cao, khi ra trường không gặp khó khăn tìm việc như nhiều người vẫn nghĩ.
Mỗi ngành nghề đều có những yêu cầu về công việc, yêu cầu từ người học những tố chất riêng. Đối với ngành Lịch sử yêu cầu người học cần có những tố chất sau: Yêu thích các môn xã hội, đặc biệt là Lịch sử; có kiến thức sâu rộng về kinh tế, văn hóa và xã hội; có ý chí, kiên trì và bền bỉ; có khả năng lý luận, có tư duy logic.
Một số trường đào tạo ngành Lịch sử gồm: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học Huế, ĐH Quảng Nam, ĐH Đà Lạt,…
TOP 3 NGHỀ LIÊN QUAN ĐẾN NGÀNH LỊCH SỬ THU HÚT CÁC BẠN TRẺ
1. Nhà văn, biên tập viên
Nhà văn là người viết nội dung cho sách và các ấn phẩm khác, cũng như cho phương tiện truyền thông trực tuyến. Còn biên tập viên là người chọn lọc và đánh giá tài liệu để xuất bản. Các nhà văn hoặc biên tập viên nội dung có thể chọn chuyên ngành về lĩnh vực lịch sử. Kiến thức về lịch sử sẽ cung cấp cho bạn nền tảng khi viết văn và đánh giá tài liệu.
Nếu muốn trở thành nhà văn, biên tập viên theo hướng bền vững, bạn có thể chọn làm việc tại nhà sách, công ty truyền thông hay các cơ quan báo chí. Còn nếu bạn không có nhiều thời gian để ứng tuyển làm việc toàn thời gian thì có thể làm thời vụ. Công việc này khá linh hoạt, đang là lựa chọn ưu tiên của không ít bạn trẻ
Nếu muốn theo đuổi ngành Lịch sử, bạn có thể trở thành nhà văn hoặc biên tập viên. (Ảnh minh họa)
2. Biên – phiên dịch viên
Nếu là người đam mê lịch sử và có khả năng sử dụng ngoại ngữ, bạn có thể trở thành phiên dịch viên cho các hội nghị/sự kiện. Hoặc bạn cũng có thể trở thành biên dịch viên để dịch tư liệu, tiểu thuyết, sách báo liên quan đến lịch sử. Để trở thành biên – phiên dịch viên, bạn không chỉ cần có hiểu biết sâu rộng về lịch sử mà còn có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách khéo léo, diễn đạt trôi chảy và dễ hiểu.
Trong bối cảnh thế giới hội nhập chính là cơ hội phát triển nghề biên – phiên dịch. Bạn có thể làm việc tại một số nơi như: Các tổ chức quốc tế, công ty du lịch, đài truyền hình, nhà xuất bản, trung tâm dịch thuật,… Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao được xem là nơi tập trung nguồn nhân lực lớn. Tại đây, những người làm nghề biên – phiên dịch đều có trình độ chuyên môn cao, làm việc chuyên nghiệp.
Ảnh minh họa.
3. Hướng dẫn viên du lịch
Người làm nghề hướng dẫn du lịch sẽ đi theo nhóm du khách và giới thiệu cho họ về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Hướng dẫn viên cần có kiến thức về các địa điểm mà mình giới thiệu, bao gồm cả nguồn cội, lịch sử hình thành và phát triển. Mặc dù không yêu cầu cao về bằng cấp đối với hướng dẫn viên du lịch nhưng việc sở hữu bằng cử nhân ngành Lịch sử sẽ là điểm cộng cho ứng viên.
Một số công việc cơ bản của hướng dẫn viên du lịch là: Lên kế hoạch, sắp xếp các điểm tham quan, tổ chức các hoạt động vui chơi, mua sắm cho khách, làm thủ tục check-in và check-out giúp khách; theo dõi và đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ của các đối tác như nhà hàng, khách sạn để mang đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng; giải quyết các vấn đề phát sinh xuyên suốt chuyến đi; lắng nghe và tiếp thu phản hồi của khách hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ,…