Một ngành học cần đến 50.000 nhân lực, chưa ra trường đã được mời về làm, mức lương lên đến 70 triệu/tháng

Đông |

Ngành thiết kế vi mạch đang là ngành học cực khát nhân lực tại Việt Nam.

Thiết kế vi mạch được dự đoán là ngành "hot" trong tương lai. Cho những ai chưa biết, thiết kế vi mạch còn có tên khoa học là Integrated circuit design hay VLSI design, ngành này chuyên nghiên cứu, phát triển, chế tạo các chip điện tử - còn gọi là mạch tích hợp (IC - Integrated Circuit).

Mới đây, vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy đã có những chia sẻ liên quan đến đào tạo nhân lực ngành thiết kế vi mạch. Theo đó, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao và tương lai có thể có nhiều hơn nữa.

Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này, theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.

Một ngành học cần đến 50.000 nhân lực, chưa ra trường đã được mời về làm, mức lương lên đến 70 triệu/tháng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tương tự, theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA), từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Trong đó, khu vực TP.HCM chiếm khoảng 53% nhu cầu tuyển dụng.

Trước đó, PGS Nguyễn Đức Minh - Trưởng khoa Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội từng cho hay ngành vi mạch ở Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư, tại 50 công ty, chủ yếu là kỹ sư thiết kế vi mạch. Mỗi năm, những công ty này cần tuyển mới khoảng 150-200 kỹ sư.

Tuy nhiên, nhiều công ty lớn, nổi tiếng thế giới như Infineon, Renesas, Marvell, Samsung đang định mở thêm văn phòng, nhà máy ở khu vực phía bắc. Vì vậy, ông dự đoán thời gian tới, mỗi năm các doanh nghiệp cần tuyển mới khoảng 250-300 kỹ sư cho ngành thiết kế vi mạch.

Học gì, ở đâu?

Hiện nay nhiều trường đại học có khoa Điện - điện tử, Điện tử viễn thông hoặc khoa Công nghệ đều giảng dạy các kiến thức cơ bản liên quan đến công nghệ vi mạch, mạch tích hợp (integrated circuit) hoặc bán dẫn (semiconductor).

Đầu tháng 9/2023, trường Đại học FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT thông báo thành lập khoa Vi mạch Bán dẫn, dự kiến đón sinh viên từ năm tới. Trường Đại học FPT đang lên kế hoạch hợp tác với nhiều trường đại học tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) để thiết kế chương trình, giáo trình và chuẩn đào tạo. Được biết, đây là hai trong bốn thị trường dẫn đầu về chip và bán dẫn toàn cầu, bao gồm Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Song song với đó, Đại học FPT sẽ kết hợp với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này để cung cấp nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ từ ngắn hạn 6 tháng, 2 năm đến các chương trình đào tạo nâng cao, văn bằng hai, cao đẳng, đại học, sau đại học.

Cùng thời điểm, Đại học Bách khoa Hà Nội mở chuyên ngành thiết kế vi mạch, thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông. Điểm chuẩn ngành này theo phương thức thi tốt nghiệp THPT 2023 là 26,46 (khối A00, A01) với chương trình chuẩn và 25.99 (khối A00, A01) với chương trình tiên tiến.

Theo tiến trình đào tạo, trong 3 năm đầu, sinh viên được trang bị các khối kiến thức về Toán học và khoa học cơ bản, Điện tử - Viễn thông như: Toán, Vật lý, Lập trình, Mạch điện tử, Cấu trúc máy tính, Xử lý tín hiệu và thông tin.

Từ năm thứ tư, sinh viên bước vào chuyên ngành thiết kế vi mạch. Các bạn được học về Hệ thống nhúng và thiết kế giao tiếp nhúng, Cơ sở công nghệ vi điện tử, Thiết kế mạch tích hợp cỡ lớn VLSI, Thiết kế IC tương tự (Analog IC Design), Kiểm chứng và kiểm tra vi mạch (IC Verification and Testing).

Một ngành học cần đến 50.000 nhân lực, chưa ra trường đã được mời về làm, mức lương lên đến 70 triệu/tháng - Ảnh 2.

Đại học Bách khoa Hà Nội đang mở chuyên ngành thiết kế vi mạch

Còn tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM, ngoài chuyên ngành thiết kế vi mạch trong ngành Điện tử - Viễn thông (điểm chuẩn năm 2023 là 66,59 - theo cách tính điểm riêng), từ năm 2021, trường mở thêm chuyên ngành Thiết kế mạch - Phần cứng, dạy bằng tiếng Anh. Một số môn học ở hệ này như: Thiết kế hệ thống nhúng, Thiết kế vi mạch, Cấu trúc máy tính, Kỹ thuật số nâng cao, Thiết kế vi mạch số, Thiết kế vi mạch tương tự...

Mức lương thế nào?

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này có cơ hội làm việc ở các vị trí như:

- Kỹ sư thiết kế, chế tạo vi mạch và các thiết bị điện tử - bán dẫn.

- Kỹ sư quản lý và xử lý dây chuyền sản xuất Kỹ sư nghiên cứu phát triển R&D Kỹ sư Vận hành sản xuất thiết bị điện tử, IC v.v..

- Kỹ sư quản lý chất lượng sản phẩm

Sinh viên tốt nghiệp có thể ứng tuyển vào các tập đoàn, công ty về lĩnh vực điện tử, bán dẫn và sản xuất vi mạch...

Một ngành học cần đến 50.000 nhân lực, chưa ra trường đã được mời về làm, mức lương lên đến 70 triệu/tháng - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Khảo sát của HSIA cho thấy kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng một tháng. Kỹ sư có 1-3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15-30 triệu đồng. Sau 6 năm, họ nhận lương trung bình 0,6-1 tỷ đồng mỗi năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ mỗi năm.

Ở Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS Minh, cho biết 100% sinh viên định hướng thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới khoảng 15-20 triệu đồng, tương đương ngành Công nghệ thông tin. Còn nếu theo nghề 5-10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp rưỡi Công nghệ thông tin, lên tới 2.500-3.000 USD một tháng (60-70 triệu đồng).

Còn ở Đại học Bách khoa TP.HCM, gần như mỗi tuần đều có công ty đến khoa Điện - Điện tử tìm kiếm nhân sự thiết kế vi mạch. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận với sinh viên ngay từ năm thứ hai, ba thông qua những suất thực tập, công việc bán thời gian, học bổng. Điều đó cho thấy tiềm năng của ngành này lớn thế nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại