Trung tâm của nền kinh tế Nga
The Guardian đánh giá, trong khi Ukraine đang cố gắng tìm nguồn đạn dược, vũ khí và thiết bị phòng thủ, Nga đã chủ động tăng cường sản xuất công nghiệp trong 2 năm qua, vượt qua những gì phương Tây đánh giá.
Tổng chi tiêu quốc phòng của Nga chiếm khoảng 7,5% GDP của nước này, chuỗi cung ứng đã được thiết kế lại để đảm bảo nguồn cung và ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Đồng thời, các nhà máy sản xuất đạn dược, phương tiện và các thiết bị đang hoạt động suốt ngày đêm.
Quốc phòng đã được đặt làm trung tâm của nền kinh tế Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong tháng này rằng 520.000 việc làm mới sẽ được tạo ra trong khu liên hợp công nghiệp - quân sự, nơi hiện có khoảng 3,5 triệu người Nga làm việc - tương đương 2,5% dân số.
Theo phân tích của Moscow Times về dữ liệu lao động của Nga hồi tháng 11, các thợ máy và thợ hàn trong các nhà máy sản xuất thiết bị quân sự của Nga hiện đang kiếm được nhiều tiền hơn nhiều nhà quản lý hay luật sư.
Tổng thống Putin hôm 15/2 đã đến thăm nhà sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực lớn nhất đất nước Uralvagonzavod. Các công nhân ở đây cho biết họ là một trong những nơi đầu tiên thiết lập hoạt động sản xuất suốt ngày đêm. Nhà lãnh đạo Nga hứa sẽ tài trợ để giúp đào tạo thêm 1.500 nhân viên có trình độ cho nhà máy.
Khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bước sang năm thứ 3, khoản đầu tư khổng lồ của Nga vào lĩnh vực quân sự đã khiến các nhà hoạch định ở châu Âu lo lắng. Họ cho rằng NATO đã đánh giá thấp khả năng của Nga trong việc duy trì một cuộc chiến lâu dài.
Mark Riisik, phó giám đốc bộ phận hoạch định chính sách của Bộ quốc phòng Estonia, cho biết: “Về cơ bản, một phần ba ngân sách của Nga là dành cho sản xuất quốc phòng và cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Khó để biết khi nào điều này sẽ dừng lại".
Theo ông Riisik, sản lượng đạn pháo của Nga có thể lên tới 4 triệu đơn vị trong một hoặc hai năm tới. Con số này có thể sẽ khiến Ukraine gặp trở ngại rõ rệt ở tiền tuyến. Nói về sản lượng quốc phòng của Nga, ông Riisik cho hay: "Nó thực sự lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi dự đoán".
Sản xuất suốt ngày đêm
Phân tích mới của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ước tính, Nga đã mất 3.000 xe chiến đấu bọc thép trong năm ngoái và gần 8.800 chiếc kể từ khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu.
The Guardian đánh giá, vì không thể sản xuất được số lượng phương tiện ở mức đó nên Nga chủ yếu tân trang lại phần cứng của các thiết bị hư hại.
Tình báo Estonia cũng cảnh báo về sự thay đổi lớn trong quân đội Nga như việc thành lập các quân khu Leningrad và Moscow. Tình báo Estonia lưu ý rằng Nga đang có kế hoạch mở rộng quân đội từ 1,15 triệu người lên 1,5 triệu người vào năm 2026.
Politico đánh giá, mục tiêu mở rộng nhân lực của Nga cho thấy, NATO và các lực lượng đồng minh cần phải tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức Rheinmetall, ông Armin Papperger trước đó đã cảnh báo rằng châu Âu có thể phải cần tới 1 thập kỷ để bổ sung đầy đủ kho dự trữ đạn dược.