Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank) vừa công bố tình hình tài chính nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 2.392 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Shinhan Bank tăng từ 14,07% lên 17,47%.
Kết quả kinh doanh ấn tượng của Shinhan Bank trái ngược với bức tranh lợi nhuận khá ảm đạm của các ngân hàng nội. Thống kê cho thấy 13/28 ngân hàng nội đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm, và trong 15 ngân hàng còn lại thì tăng trưởng cao nhất cũng chỉ 64%.
Mức lợi nhuận Shinhan Bank đạt được trong nửa đầu năm hiện tương đương một số ngân hàng nội tầm trung như OCB hay TPBank.
Tại thời điểm 30/6, Shinhan Bank có vốn chủ sở hữu là gần 27.614 tỷ đồng, tăng 9,5% so với hồi đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 5,92 lần ghi nhận vào cuối năm 2022 xuống còn 4,72 lần; Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ 0,11 xuống 0,1 lần.
Tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 tăng từ mức 17,84% hồi cuối năm 2022 lên 20,43%, cao hơn nhiều so với các ngân hàng trong nước.
Shinhan Bank Việt Nam là ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc – thành viên của Tập đoàn Tài chính Shinhan (Shinhan Financial Group – SFG) - Tập đoàn tài chính hàng đầu tại Hàn Quốc.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, Shinhan Bank Việt Nam được cấp tư cách pháp nhân là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài từ năm 2009. Ngân hàng Shinhan hiện là đối tác quan trọng của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam qua việc cung cấp và hỗ trợ các dịch vụ tài chính.
Theo chiến lược và định hướng phát triển từ trước đến nay, các chi nhánh và phòng giao dịch của Ngân hàng Shinhan Việt Nam được tập trung phân bổ ở hầu hết các khu công nghiệp lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, nơi tập trung đông các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đang hoạt động.
Bên cạnh mảng doanh nghiệp vốn đã rất ổn định, năm 2017, ngân hàng này đã mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng TNHH ANZ Việt Nam (“ANZ Việt Nam”). Mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ khi đó phục vụ khoảng 125.000 khách hàng cá nhân tại Việt Nam, với khoảng 320 triệu đôla Australia dư nợ cho vay và khoảng 800 triệu đôla Australia dư nợ tiền gửi.
Bằng cách mở rộng thị trường ngân hàng bán lẻ trong khi vẫn tập trung phát triển mảng ngân hàng doanh nghiệp, Shinhan Bank kỳ vọng có thể đạt được sự cân bằng tốt nhất giữa hai mảng kinh doanh này.
Thực tế, sau khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, kết quả kinh doanh Shinhan Bank đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức lợi nhuận sau thuế 1.034 tỷ vào năm 2016 lên 3.706 tỷ đồng trong năm 2022 (tương đương mức tăng trưởng bình quân 23,7%/năm).
Quy mô tổng tài sản cũng mở rộng từ 54.955 tỷ đồng vào cuối năm 2016 lên 176.960 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022 (tương đương tăng bình quân 21,5%/năm). Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng lên gấp 3,2 lần, đạt 86.744 tỷ đồng (tương đương tăng bình quân 21,6%/năm); tiền gửi khách hàng tăng từ 41.954 tỷ lên hơn 133.535 tỷ đồng (tương đương tăng bình quân 21,3%/năm).
Còn so sánh với khi Ngân hàng Shinhan Bank mới thành lập tại Việt Nam vào năm 2009, lợi nhuận của ngân hàng đã tăng hơn 100 lần từ mức vỏn vẹn hơn 35,4 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng cũng đã tăng lên gấp hơn 30 lần so với cuối năm 2009, trong khi dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng cũng tăng lần lượt lên gấp 23 và 89 lần.
Hiện, Shinhan Việt Nam có mạng lưới 51 chi nhánh, phòng giao dịch khắp Việt Nam, lớn nhất xét theo độ phủ trong nhóm ngân hàng nước ngoài.
Trong báo cáo phát hành tháng 4/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s (S&P) nhận định, Shinhan Bank Việt Nam là đơn vị mang đến lợi nhuận từ nước ngoài lớn nhất cho ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc. Ngân hàng Shinhan hiện hoạt động ở 20 quốc gia ngoài Hàn Quốc. Theo đó, trong năm 2021, 10% tổng thu nhập ròng của ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc được tạo ra từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và khoảng 50% nguồn thu nhập này đến từ Shinhan Bank Việt Nam.