Một ngân hàng Big 4 có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam, quy mô đạt 891,4 triệu USD

H.Linh |

Theo Forbes Việt Nam, đây là "ngân hàng quốc doanh lớn mạnh nhờ quy mô, lịch sử phát triển lâu đời và độ phủ rộng, phản ánh sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng bất chấp những biến động kinh tế trong các năm qua”.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam với quy mô đạt 891,4 triệu USD, theo danh sách 25 Thương hiệu niêm yết dẫn đầu năm 2024 mà Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố.

Danh sách 25 thương hiệu niêm yết dẫn đầu năm 2024 do Forbes Việt Nam thực hiện bao gồm đại diện từ 12 ngành nghề khác nhau. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng chiếm ưu thế với 7 đại diện, chiếm 28% tổng số thương hiệu.

Theo Forbes Việt Nam, đây là “các ngân hàng quốc doanh lớn mạnh nhờ quy mô, lịch sử phát triển lâu đời và độ phủ rộng, phản ánh sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng bất chấp những biến động kinh tế trong các năm qua”.

Một ngân hàng Big 4 có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam, quy mô đạt 891,4 triệu USD - Ảnh 1.

Vietcombank có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam năm 2024, quy mô đạt 891,4 triệu USD. Nguồn: Forbes Việt Nam

Phương pháp tính của Forbes Việt Nam theo nguyên tắc chung, lợi nhuận của doanh nghiệp được tạo ra từ tài sản hữu hình và vô hình. Do đó, thương hiệu của một công ty có đóng góp vào lợi nhuận, phần đóng góp này giúp xác định giá trị thương hiệu của công ty. Tổng giá trị thương hiệu của 25 công ty trong danh sách 2024 lên tới gần 5,2 tỷ USD, với tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 185 ngàn tỷ đồng (tương đương 7,3 tỷ USD) trong năm 2023.

Trước đó, theo Báo cáo Việt Nam 100 năm 2024 do Brand Finance công bố, Vietcombank là ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam, đứng thứ 4 trên tổng 100 thương hiệu trên cả nước. Năm nay, giá trị thương hiệu của Vietcombank được định giá 2,04 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước.

Tính đến hết năm 2023, tổng tài sản Vietcombank đã đạt 1,8 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1,5 tỷ USD.

Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%, huy động vốn thị trường 1 dự kiến cũng tăng 8% và được điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng được giao. Ước tính, tổng huy động thị trường 1 có thể đạt 1,52 triệu tỷ đồng. Năm nay, Vietcombank được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng gần 16%. Nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

Theo Báo cáo tài chính quý 3/2024, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2024 đạt 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và hoàn thành 75% kế hoạch cả năm.

Xét riêng quý 3, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt hơn 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng, song song với việc ngân hàng gần 80% chi phí dự phòng rủi ro trong quý 3/2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại