Iran đã đề nghị với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 31/12 yêu cầu Mỹ dừng tiến hành điều mà nước này gọi là "chủ nghĩa phiêu lưu quân sự" ở vùng Vịnh và biển Oman, trong đó có việc điều máy bay ném bom hạt nhân tới khu vực này. Tehran cũng tuyên bố nước này không muốn chiến tranh nhưng sẽ tự phòng vệ nếu cần thiết.
Trong khi đó, một quan chức Mỹ có thông tin về những tin tức tình báo gần đây nhất đã khẳng định với CNN hôm 1/1/2021 rằng một số lực lượng hải quân Iran ở vùng Vịnh đã tăng cường mức độ sẵn sàng tác chiến trong 48 giờ qua, đồng thời cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu động thái trên là để phòng vệ hay là dấu hiệu của một cuộc tấn công nhằm vào Mỹ.
Dù vậy, vị quan chức này khẳng định Mỹ không tin động thái của hải quân Iran chỉ đơn thuần là diễn tập trên biển. Đầu tuần này, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết thông tin tình báo mới đây cho thấy Iran đang vận chuyển một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn tới Iraq.
Việc gia tăng các hành động quân sự này cũng nhất quán với các tuyên bố của giới chức Iran. Người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran cho biết hôm 1/1 rằng động thái đáp trả những "tội ác của Mỹ" sẽ đến từ "chính những người ở trong nước này".
Tổng thống Trump, người từng nhiều lần cân nhắc các lựa chọn quân sự để đối phó với Iran vào tháng 11 năm ngoái, đã viết trên Twitter hồi tuần trước rằng, ông sẽ "khiến Iran phải chịu trách nhiệm" nếu có bất kỳ người Mỹ nào thiệt mạng.
Truyền thông Israel dẫn một bài báo rằng tiếng Arab cho biết các nguồn tin giấu tên của Mỹ nói rằng Israel và Saudi Arabia đang vận động hành lang Tổng thống Trump tiến hành không kích các địa điểm hạt nhân của Iran trước khi ông rời nhiệm sở.
“Đồng hồ chiến tranh” Mỹ - Iran điểm từng giờ
Những lời đe dọa, các thông điệp công khai và các động thái quân sự đều gia tăng trong những ngày trước thời điểm ngày 3/1. Đây là ngày mà Iran tưởng niệm cái chết của Tướng Qasem Soleimani và cũng là ngày mà các quan chức Mỹ lo ngại về một cuộc đáp trả của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong khi đó, một số nhà phân tích ở Washington dự đoán rằng Tổng thống Trump có thể phát động một cuộc xung đột nhằm vào Iran để đánh lạc hướng về thất bại của ông trong cuộc bầu cử vừa qua.
"Tôi thực sự lo ngại rằng Tổng thống Trump có thể suy nghĩ về việc đổ trách nhiệm cho Tổng thống đắc cử Biden bằng một chiến dịch quân sự khi ông ấy sắp kết thúc nhiệm kỳ", Tom Nichols, một chuyên gia về quan hệ quốc tế giảng dạy tại Cao đẳng Hải chiến Mỹ cho hay.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng cáo buộc hôm 31/12/2020 rằng Tổng thống Trump đang tạo nên "cái cớ" để dẫn đến chiến tranh.
Tất cả những điều trên diễn ra giữa bối cảnh ông Biden chuẩn bị thực hiện các chính sách của mình sau ngày nhậm chức 20/1, theo đó, chấm dứt chiến dịch "gây sức ép tối đa" của ông Trump nhằm vào Iran, nối lại đối thoại và quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây đều là những bước đi bị các quan chức theo đường lối cứng rắn trong chính quyền Tổng thống Trump phản đối mạnh mẽ.
"Iran là mối đe dọa thực sự với an ninh quốc gia của Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn rủi ro cao như trước thềm lễ tưởng niệm vụ ám sát Tướng Soleimani", Sam Vinograd, cựu quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, nhà quan sát Vinograd nhận định: "Tôi nghĩ Iran sẽ phải cân nhắc đến bất kỳ cuộc tấn công nào trong lễ tưởng niệm này bởi họ không muốn gây rắc rối trước khi ông Biden nhậm chức và bề ngoài có vẻ như họ đang muốn tái khởi động việc đàm phán hạt nhân để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.
Tuần trước, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết, một cuộc tấn công vào Khu vực Quốc tế ở Baghdad, gần Đại sứ quán Mỹ "gần như chắc chắn là do nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn tiến hành". Khi đồng hồ điểm dần đến ngày 3/1, ông Vinograd cho rằng: "Có rất nhiều hành động gây hấn có thể xảy ra”.
Mỹ và Iran có thực sự muốn chiến tranh?
Người kế nhiệm của Tướng Soleimani hôm 1/1 đã nhắc lại về cái chết của cựu chỉ huy lực lượng Quds, đồng thời khẳng định rằng "những kẻ tham gia vào vụ ám sát này sẽ không an toàn trên Trái Đất. Chắc chắn là như vậy".
Tướng Esmail Ghaani đã nói với đám đông tập trung tại lễ tưởng niệm Tướng Soleimani rằng: "Những gì họ chứng kiến cho tới nay chỉ là một phần trong sự trả thù và hãy chờ đi, họ sẽ chứng kiến một sự trả thù dữ dội. Địa điểm và thời gian sẽ do lực lượng Mặt trận Kháng chiến quyết định".
Nhà phân tích Nichols nhận định với CNN rằng căng thẳng với Iran leo thang giữa thời điểm Tổng thống Trump sa thải các lãnh đạo cấp cao ở Lầu Năm Góc, thay thế họ bằng những quan chức khác, những người "sẽ không thực sự trả lời bất kỳ ai, ngoại trừ Donald Trump".
Ông Nichols cũng nhắc đến những phàn nàn của ông Biden và đội ngũ an ninh quốc gia của ông rằng, đội ngũ chuyển giao Lầu Năm Góc không đưa cho họ đủ thông tin, trong đó có các tài liệu về lập trường của lực lượng Mỹ ở nước ngoài cũng như những mối đe dọa mà Washington phải đối mặt.
"Bởi vì không có sự rõ ràng nào và bởi chúng ta không cách nào biết được Tổng thống đang tính toán điều gì nên tôi cho rằng điều này sẽ gây nên một vài lo ngại", nhà phân tích Nichols đánh giá.
Nhà phân tích Vinograd cũng dấy lên một mối lo ngại khác khi nhận định với CNN rằng: "Tổng thống Trump và các thành viên trong đội ngũ của ông ấy đang cố ý làm sai lệch các thông tin tình báo, bao gồm cả về Iran để phục vụ các mục tiêu cá nhân và chính trị.
Cho tới nay, việc Tổng thống Trump cân nhắc tấn công Iran đã không còn là điều bất khả thi và khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là kết thúc nhiệm kỳ, ông Trump có lẽ sẽ muốn tạo một dấu ấn nào đó".
Hôm 31/12 vừa qua Iran đã đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc giúp làm giảm căng thẳng, đồng thời yêu cầu Mỹ tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như dừng "gây bất ổn" ở một "khu vực biến động" như Vịnh Ba Tư.
Bức thư từ Đại sứ Iran gửi Liên Hợp Quốc đã dẫn ra việc Mỹ điều các loại vũ khí tiên tiến tới khu vực. Bộ Quốc phòng Mỹ đã điều các máy bay ném bom B-52 có khả năng hạt nhân tới khu vực, sau khi thông báo một tàu hạt nhân sẽ đi qua vùng Vịnh.
Theo Lầu Năm Góc, Mỹ hiện có một số tàu chiến ở Vịnh Ba Tư có khả năng phóng tên lửa Tomahawk và có khoảng 40.000 - 50.000 quân nhân khắp khu vực mặc dù nhiều người trong số đó không có vai trò chiến đấu trực tiếp.
Bức thư của Đại sứ Iran cũng nói rằng: "Mặc dù Iran không theo đuổi chiến tranh nhưng khả năng cũng như quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ người dân, an ninh, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cùng với các lợi ích cốt lõi hay khả năng phản ứng trước bất kỳ mối đe dọa hoặc lực lượng nào chống lại Iran, không thể bị xem nhẹ"./.