Cuối tháng 12/2020, Su nhiễm Covid-19. Bà mẹ đơn thân 2 con có các triệu chứng sốt cao và khó thở. Su biết, chứng hen suyễn và viêm phế quản mãn tính sẽ khiến cô gặp rủi ro, chịu ảnh hưởng nặng nhất nếu nhiễm bệnh.
"Tôi đã tự hỏi nếu ngày hôm sau, mình chẳng thể tỉnh lại nữa," - người phụ nữ 32 tuổi cho biết.
Khi tình hình trở nên tệ hơn, cô gọi cho Trung tâm y tế huyện Hyogo để xin trợ giúp, nhưng chẳng ai nhấc máy. Thay vào đó, cô buộc phải tự cách ly trong căn phòng ngủ bé nhỏ, còn 2 con nhỏ ngủ một mình ngoài phòng khách trong suốt 2 tuần. Đồ ăn do mẹ cô tiếp tế, nhưng bà cũng không thể ở lại do 2 đứa trẻ cũng đã tiếp xúc với virus, và chúng lại không được làm xét nghiệm trong suốt gần 1 tuần trôi qua. Su cho biết cô chỉ trò chuyện được với các con thông qua máy tính bảng, mà cũng chẳng còn cách nào khác.
Su và 2 con. Bên dưới là nơi các con cô phải tự lo liệu trong suốt thời gian mẹ cách ly trong phòng ngủ
"Lũ trẻ bị nhốt ngoài phòng khách, không được rời nhà suốt 10 ngày. Tôi lúc đó ốm nặng, nhưng cảm giác còn đau đớn hơn khi phải để lũ trẻ một mình."
"Cảm giác như tôi đang bỏ rơi các con vậy."
Đại diện của Trung tâm Y tế huyện Hyogo chưa đưa ra bình luận về trường hợp của Su, nhưng cho biết dù họ cố gắng liên lạc với bệnh nhân mỗi ngày, mọi thứ đang dần trở nên quá tải.
Hệ thống y tế của Nhật Bản hiện tại sở hữu số lượng giường bệnh trên đầu người cao nhất thế giới, thường xuyên được ca ngợi về chất lượng dịch vụ trong nhiều năm qua. Thậm chí, chính phủ còn tự hào rằng tỉ lệ tuổi thọ rất cao tại quốc gia này một phần cũng nhờ hệ thống y tế đầy chất lượng.
Nhưng với Covid-19, mọi thứ chưa bao giờ là đủ. Hệ thống của Nhật Bản đang chạm đến giới hạn trong bối cảnh phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất từ trước đến nay. Số lượng ca nhiễm đã tăng gấp đôi so với thời điểm cách đây 2 tháng, lên hơn 406.000 ca.
Ngay cả khi đỉnh dịch tạm thời đã qua, với số người nhiễm giảm xuống từ hơn 7000 ca/ngày hồi tháng 1 còn dưới 3000 trong tháng 2, hệ thống y tế vẫn đang rất nặng gánh. Ngày 4/2, hơn 8700 bệnh nhân Covid-19 tại 10 huyện đã phải chờ đợi giường bệnh tại trung tâm cách ly. Trước đó 1 tuần, con số là hơn 18.000 người.
Điều này có nghĩa sẽ có những người đang chết dần vì Covid-19 tại nhà, phải tự cách ly, chống lại bệnh một mình, và tự lây nhiễm cho chính gia đình của họ.
Hệ thống y tế bị đẩy đến cực hạn
Trên thực tế dù phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh gia tăng, số ca nhiễm và tử vong tại Nhật Bản nếu so với Mỹ thì vẫn chẳng là gì cả. Mỹ hiện tại trung bình có khoảng 100.000 ca mới mỗi ngày.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, ảnh hưởng đến hệ thống y tế tại đây sẽ khác. Từ thập niên 1960, hệ thống bảo hiểm y tế toàn diện tại Nhật Bản đã cho phép mọi công dân - bất kể thu nhập và bệnh án - được sở hữu. Nhưng chính việc dễ dàng tiếp cận chăm sóc y tế đã khiến nhiều bệnh nhân đi khám hơn mức cần thiết, khiến hệ thống y tế của họ chịu áp lực lớn.
"Giống như nước máy vậy, đó là chuyện trước kia. Giờ thì hàng vạn người nhiễm Covid-19 phải ở nhà vì không thể đi khám, không thể nhập viện, cũng không thể gặp bác sĩ," - trích lời Tiến sĩ Kentaro Iwata, bác sĩ tại bệnh viện ĐH Kobe. "Đó là thực tế cay đắng, điều khó chấp nhận với đa số người Nhật hiện nay."
Theo Naoiki Ikegami - Giáo sư tại ĐH Keio, chuyện bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nặng phải chờ nhập viện vốn chẳng phải điều hiếm gặp ở các quốc gia trên thế giới. Nhưng trong các đợt dịch trước ở Nhật, hầu như ai dương tính cũng lập tức được nhập viện.
"Đó là cách Covid-19 được xử lý trong 2 làn sóng dịch trước đây. Vậy nên ai cũng tin rằng lần này sẽ như vậy, cứ nhiễm là được nhập viện, dù chỉ có triệu chứng nhẹ," - trích lời Ikegami.
Đến nay, quy tắc này đã buộc phải thay đổi. Không phải ai nhiễm bệnh cũng có giường nữa. Dẫu vậy, tỉ lệ nhập viện vì Covid-19 bất kể triệu chứng tại Nhật vẫn cao hơn so với thế giới.
Lỗ hổng đáng sợ từ hệ thống
Năm 2019, số giường bệnh tại Nhật là 13:1000 người - theo tổ chức OECD. Đó là con số khổng lồ nếu so với tỉ lệ 3:1000 tại Mỹ và Anh, trong khi tỉ lệ trung bình OECD đưa ra cũng chỉ là 4,7.
Nhưng theo Bác sĩ Iwata, con số trên dễ gây hiểu nhầm. Nhật Bản có hơn 1 triệu giường bệnh phục vụ cho số dân là 126 triệu, nhưng đa số chỉ là bệnh nhẹ thôi. Tính đến số giường chăm sóc đặc biệt, tỉ lệ chỉ là 5:100.000 người. Trong khi đó, Đức có đến 34, còn Mỹ là 26.
Nhân viên y tế cũng là một vấn đề đáng ngại. Theo số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản, cả nước chỉ có 1.631 chuyên gia bệnh truyền nhiễm trong 8.300 bệnh viện. Nghĩa là, đa số các bệnh viện không hề có chuyên gia.
Không giống như một số quốc gia châu Á lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, Nhật Bản đã tránh được những dịch bệnh chết chóc từ các loại virus corona trước kia như SARS và MERS. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc họ thiếu đi sự chuẩn bị cần thiết trước một dịch bệnh mới.
"Chúng tôi không huấn luyện đủ chuyên gia, chưa chuẩn bị hệ thống để chống lại dịch bệnh, và đây là hệ quả," - Iwata nhận định.
Khắp Nhật Bản, hàng trăm trung tâm y tế đang tiếp nhận cuộc gọi từ bệnh nhân và hướng dẫn họ chăm sóc y tế, theo dõi sức khỏe, sắp xếp lịch xét nghiệm và truy vết lây nhiễm. Bác sĩ Hideo Maeda chia sẻ, số nhân viên của ông đã tăng gấp 4 lần kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng vẫn chưa đủ. Riêng trong khu chăm sóc của ông, hàng chục bệnh nhân vẫn đang chờ nhập viện.
Những phản ứng gây khó hiểu
Tháng 1/2021, Thủ tướng Yoshihide Suga nói lời xin lỗi. "Là người chịu trách nhiệm, tôi thành thật xin lỗi. Chúng tôi đã không thể cung cấp đủ sự chăm sóc cần thiết."
Trên thực tế, phản ứng của chính phủ Nhật đã nhận phải nhiều chỉ trích là "quá chậm" trước đại dịch. Kenji Shibuya, Giám đốc Viện Sức khỏe Dân số tại ĐH King's College London có chung nhận định đó.
Cách đây 1 tuần, Quốc hội Nhật Bản thông qua 2 dự luật cho phép chính quyền địa phương có quyền phạt những ai làm trái quy định phòng dịch, bao gồm các doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian mở cửa, và với những ai nhiễm bệnh không hợp tác với quan chức y tế. Ngoài ra, chính phủ sẽ được phép yêu cầu các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, và phải công khai danh tính nếu cần thiết.
Điều đáng nói, đa số các bệnh nhân Covid-19 tại Nhật Bản được điều trị tại bệnh viện công. Nhưng bệnh viện tư lại chiếm đa số, và hầu hết đều không đủ nhân lực lẫn trang thiết bị dành cho Covid-19.
Nhật Bản hiện cũng đứng sau rất nhiều quốc gia phát triển khác về vaccine. Phải đến cuối tháng 2/2021, công nhân viên y tế mới bắt đầu được tiêm chủng, trong khi công dân cao tuổi phải chờ đến 1/4 là sớm nhất. Phần còn lại chưa được xác định thời gian tiêm phòng.
Việc tiêm phòng cũng sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện, và các công nhân viên y tế phải đối mặt với thách thức là thuyết phục người dân đồng thuận tiêm phòng. Dành cho những ai chưa biết, vaccine là thứ người Nhật tỏ ra kém tin tưởng - một hệ quả thời kỳ hậu Thế chiến II.
Theo nghiên cứu mới công bố gần đây trên Lancet, Nhật Bản nằm trong số những quốc gia kém tin tưởng vaccine nhất thế giới. Chỉ 30% người tham gia khảo sát tin rằng vaccine an toàn. Trong khi đó ở Mỹ là 50%.
Lại nói về bà mẹ đơn thân Su. Hiện tại cô đã hồi phục, dù vẫn còn một số triệu chứng sót lại. Dẫu vậy, cô chỉ cảm thấy biết ơn vì đã có thể gần các con thêm lần nữa.
Nguồn: CNN