Trong diễn đàn "bỏ phố về rừng", chủ đề "kinh phí và kinh nghiệm làm farmstay bao nhiêu tiền là hợp lý" đã nhận được rất nhiều chia sẻ, bàn luận từ nhiều thành viên. Có người chia sẻ rằng, họ phải mất tới 200 triệu đồng để trồng các loại cây ăn quả, làm hàng rào, thuê người. Có người chỉ mất 50 triệu đồng để "xanh hoá" mảnh đất.
Rất nhiều mức tài chính và kinh nghiệm làm vườn khác nhau. Con số này phụ thuộc vào nhu cầu và tiêu chí của những chủ đất.
Mới đây, một đôi vợ chồng đến từ Bình Dương chia sẻ, họ chỉ mất khoảng 10 triệu đồng để biến mảnh đất 500m2 trở thành farmstay nhỏ.
Mảnh đất trước đây trồng cao su, khô cằn.
Chủ nhân của farmstay đó là chị Phạm Mạnh, 32 tuổi, đến từ Bình Dương. Mảnh đất này chị được bố mẹ cho vào năm 2008, vốn là đất trồng cao su. Đến tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, chị và chồng quyết định lên ý tưởng "xanh hoá" mảnh đất này, biến nơi đây thành farmstay.
Bức ảnh chụp thời điểm đầu, vợ chồng chị Mạnh bắt đầu cải tạo mảnh đất.
"Để tiết kiệm chi phí, tôi lên ý tưởng còn giao cho chồng tôi nhiệm vụ bê đất, sắp đặt. Vì là đất trồng cao su bỏ hoang, nhiều gốc đã cắt. Đất cằn cỗi đến nỗi không mọc nổi. Để cải tạo đất, tôi lựa chỗ nào gần ống nước, tưới mỗi ngày 2 lần cho ẩm, rồi bắt đầu trồng rau cải, bầu và mướp. Còn một số gốc cao su không có tiền thuê người đào lên, tôi để tự nó phân huỷ. Để trang trí, tôi bê chậu hoa đặt lên, che gốc cây lại", chị Mạnh kể.
Vì không có chi phí lớn, nên chị Mạnh lên kế hoạch tăng xin những vật dụng làm vườn cũ từ người thân. "Giàn bầu và mướp tôi xin lại của bà tôi. Tôi xin ngói tây của ba về quây lại. Sau đó, tôi mua ít một số vật dụng khác về ráp vô dần. Như cỏ, tui mua vài mét rồi ngắt nhỏ ra trồng. Mua gạch cũng vậy, lần mua 5m, lần mua 10m".
Giàn bầu đã sai quả.
Về cây giống, chị Mạnh cũng chia ra nhỏ những lần mua, lựa chọn các loại cây có mức giá trung bình từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng. Chị mua đa dạng các loại cây như: 1 cây xoài cát hòa lộc, 1 cây cà na thái, 2 cây mận, 1 vú sữa lò rèn, 2 cây ổi, 8 cây mít thái, 2 cây me thái để trồng xen kẽ.
"Tôi xác định mua rải rác. Mỗi lần đi đâu, thấy cây đẹp, tôi lại mua, mang về ghép vào mảnh vườn nhà mình. Đối với hoa, tôi chọn trồng các cây dây leo như hoa tigon sát hàng rào. Ngoài ra, tôi trồng thêm hoa bằng lăng, tường vi. Tôi lên hội nhóm xin, mua hoặc trao đổi cùng với những người chung đam mê".
Hoa bắt đầu nở trên mảnh đất khô cằn.
Khu trồng rau tự thiết kế.
Khu vườn 500m2 của chị sau này còn có sự tham gia chăm sóc của một số người thân khác trong gia đình."Ban đầu thấy tôi làm, ba tôi nghĩ chắc không làm được vì đất cằn cỗi. Đến khi thấy vườn của tôi xanh dần, ba đã mua lưới B40 về làm rào xung quanh. Ba phụ giúp tôi làm vườn. Để làm giàn, ba tôi cưa tre về làm giúp. Muốn trồng hoa lan, ba tôi lại cưa cây vú sữa về ghép".
Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 1 năm, vườn cây của chị Mạnh đã trở nên xanh tốt, đủ cung cấp rau phục vụ cho cả gia đình. Các cây ăn quả cũng đã cao tới hơn 3,5m. Điều chị Mạnh thích nhất, đó là khu vườn trở thành không gian chơi của những đứa trẻ.
Mỗi một góc vườn là sự chăm chút tỉ mẩn từ người thân trong gia đình chị Mạnh.
Thành quả có được ngày hôm nay là sự chăm chỉ lao động của gia đình chị Mạnh. Đúng như chị nói "lấy công làm lãi" để tiết kiệm khoản chi phí phát sinh.
Những đứa trẻ tận hưởng không gian xanh mát trong khu vườn.
"Vì khu vườn chúng tôi tự bỏ công sức ra làm, chăm sóc, không thuê ngoài. Hai vợ chồng cũng tích cực xin của người thân một số vật dụng không dùng về lắp ghép lại, nên cũng tiết kiệm được khá nhiều" – chị Mạnh chia sẻ. Chị cũng cho biết thêm, tổng chi phí để biến mảnh đất cao su 500m2 thành khu vườn xanh mát hết khoảng 10 triệu đồng.