Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc tăng lượng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam.
Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu 833.670 tấn sầu riêng, trị giá gần 3,97 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Về giá nhập khẩu trung bình của Trung Quốc đạt mức 4.760 USD/tấn, tương đương gần 119 triệu đồng/tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập từ Thái Lan 558.300 tấn, trị giá 2,85 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 76,21% trong 6 tháng đầu năm 2023 xuống còn 66,97% trong 6 tháng đầu năm nay.
Trong khi Thái Lan giảm thì Trung Quốc tăng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam. Lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc tăng 46,3% về lượng và tăng 33,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 273.540 tấn, trị giá 1,11 tỷ USD. Thị phần sầu riêng của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 23,73% lên 32,81% trong 6 tháng qua.
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng là 154.000 ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.
Cùng với việc nhập khẩu trái sầu riêng tươi, Trung Quốc cũng nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam. Hôm 19/8 vừa qua, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Theo Bộ NN&PTNT, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm ưu tiên với tiềm năng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng đông lạnh ở Trung Quốc là rất lớn. Sầu riêng đông lạnh từ trước đến nay chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan và một số thị trường xa như Hoa Kỳ, châu Âu… với kim ngạch khoảng vài trăm triệu USD/năm.
So với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh có giá trị gia tăng cao hơn. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024. Khi được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể tăng cao hơn nữa vào năm 2025.
Để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Ngoài sầu riêng, Việt Nam còn xuất khẩu hơn 10 mặt hàng rau quả nữa sang Trung Quốc gồm thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, khoai lang. Cùng với đó, là tạm thời xuất khẩu chanh leo và ớt.