Hình minh họa
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 ghi nhận kết quả tích cực, đạt 371,5 tỷ USD (tăng 10,6% so với cùng kỳ) nhờ đóng góp lớn từ các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép. Tổng giá trị xuất khẩu 3 ngành đạt 62,2 tỷ USD năm 2022 ( tăng 6,01% so với cùng kỳ) nhờ nhu cầu bị dồn nén tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU giai đoạn sau Covid-19.
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý 4 năm 2022 giảm 1,4% so với cùng kỳ và 6,9% so với quý trước, xuống còn 3,6 tỷ USD do nhu cầu yếu của thị trường Mỹ. Giá nhà cao tại Mỹ trong quý 4/2022 ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà và nội thất gia đình. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 đạt 15,8 tỷ USD, hoàn thành 95,7% kế hoạch năm 2022 của Bộ NN&PTNT Việt Nam.
Về cơ cấu hàng xuất khẩu, đồ gỗ nội thất là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu gỗ và sản phẩm gỗ, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Gỗ dăm là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai trong năm 2022, đạt 2,6 tỷ USD, (tăng 54,4% so với cùng kỳ). Nguồn năng lượng ngày càng khan hiếm tại nhiều quốc gia trên thế giới là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ của Việt Nam trong năm 2022.
Thống kê tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Năm 2022, khoảng 90% giá trị gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là từ các thị trường xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản đạt 2,15 tỷ USD và 1,89 tỷ USD, tăng lần lượt 43,8% và 31,4% so với cùng kỳ.
Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với giá trị nhập khẩu là 8,6 tỷ USD (giảm 1,3% so với cùng kỳ) do nhu cầu yếu trong nửa cuối năm 2022. Lãi suất cho vay mua nhà của Mỹ tăng lên 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011 trong khi giá nhà trung bình tăng 10,4% so với cùng kỳ trong quý 4/2022, điều này đã làm giảm sức mua nhà tại Mỹ. Chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ đã giảm 48,1% so với cùng kỳ trong tháng 2/2023.
Theo Hiệp hội các nhà xây dựng nhà quốc gia, doanh số bán nhà cho một hộ gia đình sẽ giảm xuống còn 744.000 căn (giảm 25,5% so với cùng kỳ) trong 2023 trước khi tăng trở lại 925.000 căn vào năm 2024.
Trong khi Forest Economic Advisors dự phóng nhu cầu về gỗ xẻ mềm ở Bắc Mỹ sẽ giảm 8,3 % vào năm 2023, sau khi giảm 1,6% trong 2022 do thị trường tiêu dùng suy yếu và khả năng xảy ra suy thoái vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều này sẽ tồn tại trong thời gian ngắn với dự báo tăng 7,5% so với cùng kỳ vào năm 2024 ở mức 62,5 tỷ feet (BBF).
Các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính từ Việt Nam.
"Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trong xuất khẩu cao tới thị trường Mỹ như PTB, GDT, SAV sẽ bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ trong năm 2023. Thêm vào đó chúng tôi kỳ vọng rằng biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,6 - 1 điểm % trong 2023 do giá bán trung bình thấp hơn", báo cáo phân tích vừa công bố của Chứng khoán VNDirect nhận định.
Cùng với đó, VNDirect nhận định năm 2023 sẽ là một năm khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm liên quan đến gỗ. Giá ván ép tháng 12/2022 đạt 409 USD/tấm (giảm 14,6% so với cùng kỳ) do nhu cầu yếu trên thị trường thế giới.
"Chúng tôi cho rằng giá ván ép – nguyên liệu đầu vào chính của ngành gỗ và sản phẩm gỗ sẽ vẫn ở mức thấp trong khoảng từ 410 USD/tấm đến 415 USD/tấm do thị trường bất động sản còn nhiều bất ổn. Do đó, chúng tôi dự báo giá ván ép sẽ giảm 5 - 10% so với cùng kỳ trong năm 2023. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các công ty gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phải giảm giá bán bình quân để thu hút nhiều khách hàng hơn", VNDirect cho hay.
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cũng có những tín hiệu tích cực từ cả thị trường trong nước và thế giới. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 3,8 điểm, 0,9 điểm và 2,6 điểm so với tháng trước. Trong khi lạm phát tại Mỹ và EU cũng đang hạ nhiệt trong 2 tháng năm 2023. Với các chỉ số đang có dấu hiệu phục hồi, dự báo, lĩnh vực xuất khẩu sẽ bớt khó khăn hơn trong quý 2/2023 và phục hồi dần trong quý 3/2023.