Ảnh minh họa
Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam khi mang về hàng chục tỷ USD mỗi năm và đứng top của thế giới. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong tháng 9/2023 đã thu về hơn 1,33 tỷ USD, giảm 22,2% so với tháng trước đó. Tính đến hết tháng 9, mặt hàng này đã thu về 14,6 tỷ USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét về thị trường, Mỹ, Trung Quốc, Bỉ là 3 thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam. Cụ thể trong tháng 9, xuất khẩu giày dép sang Mỹ thu về hơn 475 triệu USD, giảm 32% so với tháng 8. Như vậy trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép sang Mỹ đã thu về hơn 5,23 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022.
Xếp thứ 2 là thị trường Trung Quốc, quốc gia này đã chi hơn 107 triệu USD nhập khẩu giày dép Việt Nam trong tháng 9/2023, giảm 51% so với tháng 8. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường tỷ dân thu về hơn 1,35 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Đứng thứ 3 là Bỉ với hơn 87 triệu USD xuất khẩu trong tháng 9, nhích nhẹ 0,17% so với tháng trước. tính chung trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 881 triệu USD, giảm 27%.
Trong năm 2022, xuất khẩu giày dép các loại đã thu về hơn 23,8 tỷ USD, tăng mạnh 34,6% so với năm 2022.
Việt Nam hiện nay đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới. Đáng chú ý trong năm 2020, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất thế giới về giá trị, vượt xa Trung Quốc (theo World Footwear Yearbook). Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
Sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) ngày càng khởi sắc. Giày dép Việt Nam hiện đang có lợi thế so với các quốc gia cạnh tranh như: Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và Campuchia…
Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu suy yếu, tổng cầu tiêu dùng sụt giảm, lạm phát tăng cao ở các nước phát triển, nhất là ở các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc,… Cùng với đó, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường này sụt giảm, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có da giày.
Đầu năm 2023, theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), ngành da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 27 tỷ USD cả năm, tăng khoảng 10% so với năm trước.