Một mặt hàng của Việt Nam đang được Nga liên tục săn lùng: Là kho báu tỷ đô vừa vươn lên thứ 2 thế giới, 112 quốc gia khác đua nhau chốt đơn

Như Quỳnh |

Đây là mặt hàng của Việt Nam được Nga nhập khẩu nhiều nhất trong 11T/2024.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nga trong tháng 11/2024 đạt 165,8 triệu USD, giảm 4,9% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2024 kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, dệt may là mặt hàng đang được Nga mua nhiều nhất từ Việt Nam đến nay với kim ngạch đạt hơn 712 triệu USD, tăng mạnh 65% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 34% tỷ trọng xuất khẩu. Theo sau là mặt hàng cà phê đạt 263,7 triệu USD, tăng 17,2%, chiếm 12,4% tỷ trọng xuất khẩu.

Về ngành dệt may, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 11 đã thu về hơn 3 tỷ USD, giảm nhẹ 5% so với tháng trước đó. Lũy kế trong 11 tháng đầu năm, ngành dệt may đã thu về hơn 33,6 tỷ USD, tăng mạnh 10,6% so với cùng kỳ.

Xét về thị trường, Mỹ đang trở thành khách hàng lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 14,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với hơn 3,9 tỷ USD, tăng 6%. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3 với hơn 2,9 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ với những thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

So với các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam đang là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các nước xuất khẩu dệt may khoảng trên 10% và dự kiến đến cuối năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ cán đích gần 44 tỷ USD, vươn lên đứng vị trí thứ 2 thế giới. Với kết quả này, Việt Nam sẽ vượt trên Ấn Độ về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may khi nước này đạt gần 7%. Trung Quốc có tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng là 273,4 tỷ USD, chỉ tăng 2%; đối thủ Bangladesh tăng trưởng xuất khẩu giảm và chỉ xuất được 27,7 tỷ USD.

Nhìn lại năm qua, trong 6 tháng đầu năm 2024 thị trường tuy có cải thiện hơn nhưng vẫn là mạch trầm lắng khó khăn của 2023 kéo dài. Trong 6 tháng cuối năm đơn hàng vào Việt Nam tăng đột biến do những biến động chính trị bất ngờ tại các quốc gia cạnh tranh. 

Năm 2025 tới, tín hiệu tăng trưởng thị trường dệt may tốt hơn khi thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện với triển vọng cho ngành dệt may tốt hơn.

Do đó, dự báo xuất khẩu nửa đầu năm tới tích cực. Việc Mỹ áp thêm thuế sẽ khiến các đơn hàng dệt may từ Trung Quốc đắt hơn so với thông thường và đây là cơ hội tốt để các quốc gia cạnh tranh trong đó có Việt Nam đón đầu các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc nếu tuân thủ tốt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành này cũng nhìn nhận, dù biến động chính trị đang ảnh hưởng đến Bangladesh, nhưng nước này cũng phục hồi đơn hàng xuất khẩu nhanh, bởi dệt may là ngành đóng góp ngoại tệ xuất khẩu lớn của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại