Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2023, cả nước nhập khẩu gần 10,61 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 8,49 tỷ USD, giá trung bình đạt 800,4 USD/tấn, tăng 8,6% về lượng, nhưng giảm 17,6% kim ngạch và giảm 24,1% về giá so với 10 tháng năm 2022.
Riêng tháng 10/2023, nhập khẩu 1,28 triệu tấn sắt thép, tương đương gần 957,43 triệu USD, giá trung bình 748,5 USD/tấn, giảm 8,9% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch nhưng tăng 5,5% về giá so với tháng 9/2023.
Trước đó, năm 2022 Việt Nam nhập siêu sắt thép 3,93 tỷ USD. Như vậy sau lần xuất siêu đầu tiên vào năm 2021, Việt Nam đã quay trở lại nhập siêu trong năm 2022 và 2023.
Trong 10 tháng đầu năm, sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 6,37 triệu tấn, tương đương trên 4,44 tỷ USD, giá 698,2 USD/tấn, tăng 47,8% về lượng, tăng 3% kim ngạch nhưng giảm 30,4% về giá so với 10 tháng năm 2022; chiếm 60% trong tổng lượng và chiếm 52,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Tính riêng tháng 10, nước này xuất sang Việt Nam gần 860 nghìn tấn sắt thép, trị giá 562,3 triệu USD, tăng 172,1% về lượng và tăng 109% về giá trị so với tháng 10/2022.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Nhật Bản đạt 1,62 triệu tấn, tương đương 1,24 tỷ USD, giá nhập khẩu 761,2 USD/tấn, tăng 6,3% về lượng, nhưng giảm 18,1% về kim ngạch và giảm 23% về giá so với 10 tháng năm 2022, chiếm 15,3% trong tổng lượng và chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch.
Tiếp theo là thị trường Indonesia đạt 547.213 tấn, trị giá 936 triệu USD, giá 1.710,5 USD/tấn, tăng 18,9% về lượng, nhưng giảm nhẹ 0,3% về kim ngạch và giảm 16,1% về giá so với 10 tháng năm 2022, chiếm 5,2% trong tổng lượng và chiếm 11% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu sắt thép 10 tháng năm 2023 từ đa số thị trường sụt giảm so với 10 tháng năm 2022.
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản lượng thép với 1.013 triệu tấn, chiếm 53,9% tổng sản lượng. Dù vẫn dẫn đầu, năm 2022 là lần đầu tiên sản lượng thép của nước này giảm năm thứ hai liên tiếp. Theo sau Trung Quốc là Ấn Độ với 124,8 triệu tấn, chiếm 6,6% toàn cầu. Nhật Bản, Mỹ và Nga lần lượt chiếm các vị trí còn lại trong top 5 với 89,2 triệu tấn (4,8% toàn cầu), 80,5 triệu tấn (4,3%) và 71,5 triệu tấn (3,8%). Việt Nam đứng thứ 13 về sản lượng thép với 20 triệu tấn trong năm 2022.
Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu ròng thép bán thành phẩm và thành phẩm của Trung Quốc trong tháng 9 tăng 114%, tương đương 3,945 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái đạt 7,39 triệu tấn. Xuất khẩu ròng tổng lượng thép từ tháng 1 đến tháng 9 tăng 63%, tương đương 23,830 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước đạt 61,589 triệu tấn.
Giá thép Trung Quốc cạnh tranh, nhu cầu thép Trung Quốc ngày càng tăng từ các thị trường mới nổi và nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các dự án “Vành đai và Con đường” là những lý do chính thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh.
Một số nguồn tin cho biết họ kỳ vọng giá thép Trung Quốc sẽ vẫn cạnh tranh trên thị trường toàn cầu vào năm 2024, do sản lượng thép của nước này có thể vẫn ở mức cao trong khi nhu cầu trong nước sẽ tiếp tục bị suy giảm do sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản.