Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 Việt Nam nhập khẩu 1,49 triệu tấn sắt thép, tương đương 1,06 tỷ USD, tăng 27,3% về lượng, tăng 22,3% về kim ngạch so với tháng 12/2023; còn so với tháng 1/2023 thì tăng 151,2% về khối lượng, tăng 101,6% về kim ngạch.
Giá nhập khẩu trong tháng 1/2024 đạt 711,9 USD/tấn, giảm 3,9% so với tháng 12/2023, giảm 19,7% so với tháng 1/2023.
Trung Quốc đứng đầu về thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam, chiếm 67,6% trong tổng lượng và chiếm 60% trong tổng kim ngạch, đạt gần 1,01 triệu tấn, tương đương gần 635,66 triệu USD, giá trung bình 631,5 USD/tấn, tăng 25,7% về lượng, tăng 24% về kim ngạch nhưng giảm 1,4% về giá so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 thì tăng 376,4% về lượng, tăng 247% về kim ngạch nhưng giảm 27,2% về giá.
Indonesia là thị trường đứng thứ 2, chiếm trên 4,4% trong tổng lượng và chiếm 9,7% trong tổng kim ngạch sắt thép nhập khẩu của cả nước, đạt 65.140 tấn, tương đương gần 102,63 triệu USD, giá trung bình 1.575 USD/tấn, tăng 14,3% về lượng, tăng 7,7% về kim ngạch nhưng giảm 5,8% về giá so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 thì giảm 19,5% về lượng, giảm 7,5% về kim ngạch nhưng tăng 14,8% về giá.
Thị trường Nhật Bản đứng thứ 3 đạt 135.841 tấn, tương đương 94,44 triệu USD, giá 695,2 USD/tấn, tăng 7% về lượng, tăng 2% về kim ngạch nhưng giảm 4,6% về giá so với tháng 12/2023; tăng 28,5% về lượng, tăng 23,2% kim ngạch nhưng giảm 4% về giá so với tháng 1/2023, chiếm 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Nhập khẩu từ các thị trường FTA RCEP 1,31 triệu tấn, tương đương 934,22 triệu USD, tăng 20,8% về lượng, tăng 17% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Malaysia là thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng sản lượng mạnh nhất. Cụ thể, nước ta nhập khẩu 7.984 tấn sắt thép từ Malaysia trong tháng 1/2024, tương đương 6,18 triệu USD, tăng mạnh 1.050% về lượng và tăng 282% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 0,54%. Giá nhập khẩu trung bình đạt 774,5 USD/tấn, giảm kỷ lục 66,7% so với tháng 1/2023.
Theo Viện Gang thép Đông Nam Á (SEAISI), hoạt động xây dựng trong khu vực, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, điều này dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu thép tại các nước ASEAN. Nhu cầu thép ASEAN dự kiến sẽ tăng trong hai năm tới khi hoạt động xây dựng trong khu vực phục hồi.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn.
Chênh lệch giá thép Việt Nam với giá thép Trung Quốc hiện chỉ còn ở mức 30 USD/tấn, thấp hơn mức trung bình 50 USD/tấn của 2 năm qua. Điều này sẽ giúp các sản phẩm thép tại Việt Nam không chịu áp lực cạnh tranh về giá từ thép Trung Quốc.
Trong trung hạn, khi thị trường bất động sản bước vào chu kỳ hồi phục trong năm 2025, giá thép xây dựng dự kiến tiếp tục tăng thêm 8%, đạt mức trung bình 16,4 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào chính của ngành thép như quặng sắt và than cốc dự kiến sẽ “hạ nhiệt” kể từ đầu quý 2/2024 sau khi tăng vọt trong những tháng cuối năm 2023. Hiện các tổ chức tài chính lớn đều dự báo nguồn cung quặng sắt và than cốc trên toàn cầu sẽ duy trì ổn định trong thời gian tới.
Ngành sắt thép của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi, kéo dài sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.