Một lượng tiền lớn trong ngân hàng sẽ đáo hạn vào cuối năm 2023, thị trường bất động sản kỳ vọng đón "sóng" đầu tư

Hải Sơn |

Các chuyên gia kỳ vọng, một lượng lớn tiền mặt đang nằm trong ngân hàng đáo hạn vào cuối năm 2023 sẽ được đầu tư sang bất động sản và đẩy kênh đầu tư này sôi động hơn.

Một lượng tiền lớn trong ngân hàng sẽ đáo hạn vào cuối năm 2023, thị trường bất động sản kỳ vọng đón sóng đầu tư - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng cuối năm tiền từ ngân hàng sẽ được đổ vào bất động sản.

Số dư tiền gửi liên tiếp tăng

Báo cáo mới nhất của các đơn vị nghiên cứu bất động sản cho thấy, thị trường đang có dấu hiệu ấm lên, thế nhưng thanh khoản vẫn èo uột hơn trước rất nhiều; thị trường vàng và ngoại tệ hầu như chỉ phục vụ những khách hàng có nhu cầu thực; thị trường chứng khoán mặc dù tài khoản mở nhiều hơn năm trước nhưng giá trị giao dịch vẫn còn hạn chế…

Các kênh đầu tư đều đang chững lại, vậy dòng tiền đang “đi đâu” vẫn là những câu hỏi được đặt ra.

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính chung đến hết tháng 7/2023, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng đạt mức cao nhất từ trước đến nay với gần 6,39 triệu tỷ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm ngoái. Như vậy, tính đến tháng 7 là tròn một năm, số dư tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng liên tiếp tăng. Số dư tiền gửi tháng sau phá kỷ lục của tháng trước.

Tại thời điểm tháng 7, nhiều nhà băng vẫn niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức 7%/năm. Mức lãi suất tiền gửi này vẫn có sức hấp dẫn khách hàng trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác như trái phiếu, bất động sản vẫn trầm lắng khiến dòng tiền chảy vào các kênh này thận trọng hơn thay vì dễ dãi như các năm trước.

Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, lãi suất huy động đã giảm mạnh. Song, chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12.900.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.

Trái ngược hoàn toàn với diễn biến cuối năm ngoái ồ ạt niêm yết lãi suất cao tới sát 10%/năm nhằm hút khách gửi tiền, hiện các ngân hàng hạ lãi suất xuống mức thấp ngang thời điểm dịch Covid-19, thậm chí còn thấp hơn. Xu hướng giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 4 năm nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp, trong đó có 3 lần giảm trần lãi suất huy động.

Hiện nay, lãi suất tối đa mà các ngân hàng thương mại huy động cho khoản tiền gửi dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống còn 4,75%/năm. Trong khi ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất chỉ từ 5,3%/năm, mức cao nhất là 6,9%/năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, thông thường khi lãi suất tiền gửi xuống thấp, người dân có xu hướng chuyển tiền sang các kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao. Và gần đây, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán đang dần giúp thị trường phục hồi. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng với mức lãi suất tiết kiệm chỉ 6-7%/năm sẽ không đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.

Tâm lý dè dặt chờ đợi

Thực tế, dòng tiền sau khi đến thời điểm đáo hạn liệu có quay trở lại bất động sản hay không?

Bà Trần Thị Thanh (Đông Anh, Hà Nội) cho hay, cuối năm 2022 bà gửi một khoản tiết kiệm khá lớn với lãi suất 9,5%/năm, nhưng chỉ gửi kỳ hạn 9 tháng. Trong khi bất động sản chưa đầu tư được, bà tiếc rằng không gửi kỳ hạn 12-20 tháng để hưởng mức lãi suất cao. Sau khi đáo hạn, mặc dù lãi suất ngân hàng thấp bà Thanh vẫn phải gửi ngân hàng thêm 3 tháng với lãi suất 6%/năm.

Bà Thanh cho biết, thời điểm này chưa thể đầu tư bất động sản được, mà cần chờ 2-3 tháng nữa, lúc đó bất động sản “rơi” hẳn xuống đáy và cũng là thời gian đáo hạn gửi ngân hàng.

Tương tự, ông Trần Anh Thế (Hạ Long, Quảng Ninh), sau khi thoát được bất động sản ở mức giá “đỉnh” hồi tháng 5/2022, ông Thế đã gửi tiết kiệm tại ngân hàng,T tháng 12/2023 là thời điểm đáo hạn cho khoản 50 tỷ đồng.

“Đến tháng 12/2023 là thời điểm đáo hạn cho khoản gửi tiết kiệm, tôi chờ xem bất động sản giai đoạn đó như thế nào thì sẽ tiếp tục đầu tư”, ông Thế cho hay.

Những con số trên cho thấy, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn dè dặt về tình hình kinh tế trong và ngoài nước nên dòng tiền chưa biết đổ vào đâu, tạm thời trú ẩn trong các ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, vào cuối năm 2022, mức lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đạt mức cao nên người dân bắt đầu chuyển sang gửi tiết kiệm vào ngân hàng sau thời gian dài đổ vào bất động sản. Nhưng cuối năm 2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và đây là lúc nhà đầu tư quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. Đáng chú ý, khi mức lãi suất giảm xuống 5-6% như hiện nay thì nguồn tiền nhàn rỗi này có thể quay trở lại, giúp thị trường bất động sản hồi phục.

Trong các báo cáo nhận định thị trường bất động sản hồi giữa năm nay, nhiều đơn vị nghiên cứu cũng đưa ra kịch bản dòng tiền tiết kiệm đáo hạn trong quý III/2023 có thể chảy vào bất động sản nếu lãi suất giảm xuống mức 6-7%.

Ước tính khoản tiền gửi trị giá khoảng 496.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 6 - 12/2023. Chỉ cần một phần trong dòng tiền khổng lồ này “chảy” vào bất động sản, tốc độ hồi phục của thị trường có thể được đẩy lên nhanh hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại