Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP.
Việt Nam từ lâu được ca ngợi là một điển hình về sự phát triển khi chuyển dịch từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp để trở thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, khi 90% xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái thương mại trong năm nay, 10% xuất khẩu nông sản còn lại đã bất ngờ vươn lên bất chấp nghịch cảnh, báo cáo Vietnam At a glance của HSBC cho biết.
Báo cáo với tiêu đề "Xuất khẩu vững vàng 'giữ thành'" cho biết Việt Nam hưởng lợi nhờ đa dạng mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có hai loại nông sản tăng vượt trội trong năm nay: Một mặt hàng thiết yếu và một loại trái cây vua.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Bình Thuận.
Là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng nhờ nhu cầu tăng vọt từ các nước trong khu vực và cuộc chạy đua giá gạo toàn cầu gần đây.
Trong khi đó, nông dân trồng sầu riêng của Việt Nam đã chứng kiến xuất khẩu tăng vọt (tăng 1.400% so với cùng kỳ năm trước tính đến quý 3/2023), nhờ niềm yêu thích mới của người tiêu dùng Trung Quốc đối với loại trái cây vua này và việc triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnerships - RCEP).
Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% tổng GDP nhưng vai trò của lĩnh vực này không thể xem nhẹ, các chuyên gia của HSBC nhìn nhận.
Hiện 1/3 lao động của Việt Nam vẫn tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù tỷ lệ này đã giảm so với mức đỉnh là 40% cách đây một thập kỷ do có thêm lao động trẻ chuyển sang lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Không giống như những lĩnh vực khác ghi nhận mức sụt giảm hai con số, xuất khẩu nông nghiệp đã vững vàng đi qua giông bão, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước tính trên cơ sở bình quân 3 tháng.
Bên cạnh đó, báo cáo của HSBC cho biết, với nguồn tài nguyên dồi dào, Việt Nam tận hưởng một nền tảng nông nghiệp đa dạng.
Thủy sản chiếm gần 40% trong cơ cấu xuất khẩu nông nghiệp, sau đó là tới cà phê Robusta (14%), gạo (12%) và trái cây/rau củ (11%).
Tuy nhiên, cơ cấu không phải lúc nào cũng cố định như vậy: Việt Nam có chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu không chỉ tập trung vào gạo - thị phần vốn đã chững lại trong vòng một thập kỷ qua. Thay vào đó, Việt Nam đã chủ động canh tác trái cây và rau củ để xuất khẩu.
Trong số các điểm đến, châu Á chiếm chủ yếu, trong đó Trung Quốc (25%) và ASEAN (18%), hai thị trường này cộng lại chiếm hơn 40% tổng xuất khẩu nông sản của Việt Nam, sau đó là tới các nước phương Tây với 27% thị phần.
Trong khi Trung Quốc là một quốc gia nhập khẩu quan trọng đối với mặt hàng gạo và thủy sản của Việt Nam, quốc gia này chiếm tỷ trọng chính lên đến 65% thị phần trái cây/rau củ của Việt Nam, điều này lý giải vì sao thị phần đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua.
Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu trái cây nhiệt đới của Việt Nam đã tăng đáng kể, một phần để hưởng ứng nghị định thư ký kết giữa hai nước trong năm 2022.
Hiện nay, 80% thanh long và 90% vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu sang nước láng giềng phía Bắc. Đặc biệt, niềm yêu thích mới của người tiêu dùng Trung Quốc dành cho sầu riêng đã mang lại lợi ích đáng kể cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng ở ASEAN.
Việt Nam đã đạt mức xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cao kỷ lục (tăng 1.400% so với cùng kỳ năm trước) tính đến quý 3/2023, kết quả này đảm bảo cho sầu riêng vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam với tỷ trọng lên đến gần 40%.
Mặc dù vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước trong khu vực, đặc biệt là từ Thái Lan, quốc gia thống trị 95% xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thị trường sầu riêng nội địa của Trung Quốc cũng như các sản phẩm nội địa Trung khác như dừa, thanh long và xoài.