Một loại tiêm kích Nga từng khiến cả NATO "điên đảo"

Bình Nguyên |

Theo chuyên gia Sébastien Roblin của War is boring, dòng tiêm kích Nga này có tốc độ nhanh, cơ động tốt, đủ để hạ gục bất cứ chiến đấu cơ nào của NATO, nhưng "đời không như là mơ"!

MiG-29 đang được sử dụng rộng rãi ở Ukraine và Syria. Chúng là 1 trong 2 loại tiêm kích xương sống của Không quân Ukraine khi họ sở hữu tới 80 chiếc trước khi nổ ra hàng loạt sự biến vào năm 2014, và đã có 2 chiếc bị tên lửa phòng không của lực lượng nổi dậy bắn hạ.

Trong khi đó, Không quân Syria được cho là có tới 15 tới 20 chiếc MiG-29SM còn hoạt động được sau khi trải qua nâng cấp ở Nga để có thể phóng được loại tên lửa sát thủ R-77.

Còn ở Yemen, khoảng gần 20 chiếc MiG-29 thường xuyên được sử dụng trong các chiến dịch chống du kích nhưng đã rơi vào tay lực lượng nổi dậy Houthi và từ đó chúng không còn thấy xuất hiện trên bầu trời.

Sudan cũng có 12 chiếc MiG-29 thường được sử dụng trong các trận tập kích đường không chống lại lực lượng nổi dậy ở Darfur và quốc gia mới thành lập Nam Sudan vào năm 2012.

MiG-29 (định danh NATO: Fulcrum) là tiêm kích thế hệ 4 đầu tiên của Nga, chúng vượt trội hơn tất cả so với các loại tiêm kích mà Liên Xô từng có trước đây. Tốc độ nhanh, có tính linh hoạt cao, MiG-29 có thể hạ gục bất cứ chiến đấu cơ nào của NATO, và đặc biệt, chúng được trang bị những loại tên lửa tiên tiến nhất.

Tuy nhiên, thật đáng buồn là chúng lại có các điểm yếu, đó là thiết bị điện tử lạc hậu, vòng đời ngắn và tầm hoạt động hạn chế.

Một loại tiêm kích Nga từng khiến cả NATO điên đảo - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Ukraine.

Nói đúng hơn,MiG-29 là sự kết hợp giữa công nghệ của chiến đấu cơ thế hệ 4 với những phần cứng của máy bay tiêm kích thế hệ 3.

Với giá cực rẻ, tiêm kích MiG-29 đã gặt hái được kết quả xuất khẩu đáng kinh ngạc, chủ yếu là vừa tầm với các quốc gia đang phát triển, tuy nhiên chúng nhanh chóng bị đánh bại và phủ bóng đen bởi dòng tiêm kích Su-27 hiện đại hơn. Hiện nay, MiG-29 vẫn còn hoạt động, nhưng rõ ràng chúng cần phải được nâng cấp đáng kể

Đặc tính kỹ thuật

Tiêm kích MiG-29 bắt đầu được phát triển từ năm 1974 với mục tiêu là một tiêm kích đa năng hạng nhẹ tiên tiến có thể hoạt động trên các sân bay có điều kiện hạn chế ở tiền tuyến trong chiến tranh Lạnh, trong khi đó một số lượng nhỏ hơn tiêm kích Su-27 hạng nặng (được phát triển đồng thời) sẽ làm các nhiệm vụ tầm xa.

Hai dòng MiG-29 và Su-27 được phát triển đồng thời cũng giống như "cặp bài trùng" F-16 và F-15 của Không quân Mỹ vậy.

Chiếc tiêm kích MiG-29 đầu tiên bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1982 và được NATO định danh là Fulcrum. Chúng trở nên nổi tiếng ở phương Tây và thập chí có những game máy tính được phát triển riêng cho nó.

Vào những năm 1990, các phi công phương Tây đã được làm quen rộng rãi và có cơ hội bay thử trên tiêm kích MiG-29 khi Không quân Đức sáp nhập với Không quân Đông Đức. Sau đó Mỹ thậm chí còn mua hẳn 21 chiếc MiG-29 từ Moldova.

Một loại tiêm kích Nga từng khiến cả NATO điên đảo - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Đức.

Khi đó người ta phát hiện ra rất nhiều điểm vượt trội - nhưng chúng cũng có những điểm hạn chế đáng kể.

2 động cơ RD-33 trên MiG-29 cho lực đẩy tuyệt hảo và tốc độ đạt tới Mach 2.25, nhanh hơn so với F-16 nhưng lại chậm hơn một chút so với dòng F-15 hạng nặng.

Tổng công trình sư chế tạo MiG-29 tuyên bố với khả năng thao diễn siêu đẳng, dòng tiêm kích này có thể dễ dàng hạ gục F-16.

Các phi công NATO từng thực hành huấn luyện với MiG-29 của Đức đã phát hiện ra rằng trong không chiến quần vòng ở tầm gần và tốc độ thấp, chúng cừ khôi hơn bất cứ loại tiêm kích nào họ từng được bay.

Giống như Su-27, MiG-29 cơ động tốt, có thể thực hiện những màn thao diễn không tưởng nhờ thiết kế khí động học học hoàn hảo lại dễ điều khiển. Chúng cũng có thể đạt được góc tấn lớn.

Một điểm mạnh khác nữa của MiG-29 là tên lửa không đối không tầm gần R-73 (NATO định danh là AA-11 Acher) sử dụng đầu dò hồng ngoại có thể ngắm bắn và khai hỏa thông qua mũ bay của phi công.

Thông thường, khi máy bay hướng mũi về phía tiêm kích đối phương để khóa bắn, với tên lửa R-73, phi công chỉ cần nhìn về mục tiêu trong khoảng 60 độ ở bán cầu trước để phóng tên lửa vào đó. Không quân Mỹ không hề có công nghệ tương tự mãi cho tới năm 2003 khi tên lửa AIM-9X đi vào sử dụng.

Ngoài tên lửa R-73, MiG-29 còn có 7 giá treo để mang được các loại tên lửa không đối không tầm trung và tên lửa tầm gần R-60 cũ hơn. Một số MiG-29 đã được nâng cấp để mang phóng tên lửa không đối không tầm trung xa R-77 tối tân.

Cuối cùng, MiG-29 được thiết kế để hoạt động trên những sân bay dã chiến hoặc không chuẩn bị trước (có thể là các sân bay vừa mới được các sư đoàn xe tăng Nga chiếm được!) nhờ cửa hút khí có khả năng ngăn bụi đặc biệt.

Tuy nhiên, những hạn chế trong thiết kế của MiG-29 khiến chúng sớm phải giã từ cuộc chơi.

Trong khi nổi tiếng về khả năng cơ động thì MiG-29 lại không được trang bị hệ thống hiển thị dành cho phi công cũng như các hệ thống điện tử hàng không hiện đại.

Vì thế, khi làm nhiệm vụ, đặc biệt các trong không chiến, các phi công MiG-29 phải thường xuyên nhìn chằm chằm vào các đồng hồ đo trên bảng điều khiển ở buồng lái trong khi chiến đấu cơ phương Tây đã được trang bị màn hình hiển thị phía trước, và cần lái của Mig-29 có nhiều tính năng chưa được tích hợp.

Hệ thống cảm biến của MiG-29 cũng không mấy hiện đại khi radar xung doppler N019 Phazotron (với cự ly trinh sát chỉ khoảng 38 dặm hay gần 61km), ngắn hơn so với tầm bắn của tên lửa mà chúng mang theo. Bên cạnh đó hệ thống cảm biến hồng ngoại (IRST) cũng bị các phi công phàn nàn là có hiệu quả hạn chế.

Những điểm yếu này là một minh chứng phản ảnh học thuyết của Liên Xô mà theo đó các phi công phải phối hợp chặt chẽ và trực tiếp với các sĩ quan chỉ huy dẫn bay mặt đất vì thế các hệ thống cảnh báo cũng ít được ưu tiên.

Việc thiếu các thiết bị điện tử hàng không hiện đại đã khiến Không quân Đức phải sớm loại bỏ MiG-29 cho dù chúng nhanh nhẹn hơn các chiến đấu cơ F-4 và Tornado của họ.

Một trong những điểm hạn chế chủ yếu khác của MiG-29 là tầm bay ngắn, chỉ có khoảng dưới 900 dặm (1.440km) với nhiên liệu mang bên trong và lại không có khả năng tiếp dầu trên không, chính điều đó đã làm hại chiếc máy bay đầy uy lực này.

Một loại tiêm kích Nga từng khiến cả NATO điên đảo - Ảnh 3.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Nga.

Trong khi các MiG-29 có sức hút đối với các quốc gia nghèo thường xuyên lo lắng tới các cuộc xung đột biên giới thì đối với các lực lượng không quân cần có sức mạnh tầm xa thì MiG-29 "chẳng đáng giá một xu".

Cuối cùng, cũng giống như hầu hết các máy bay tiêm kích thời Xô Viết, MiG-29 được thiết kế để chống chọi với điều kiện hoạt động dã chiến, nhưng chúng lại không có vòng đời dài, chỉ khoảng 2.500 giờ bay, so với khoảng 6.000 giờ của các máy bay chiến đấu cùng hạng của Mỹ.

Khung thân của MiG-29 chóng mỏi và cần phải được bảo dưỡng thường xuyên với chi phí đắt đỏ thì mới duy trì được hoạt động. Malaysia đã phải chi 5 triệu USD/năm đối với mỗi chiếc MiG-29 để chúng có thể bay được.

Lịch sử không chiến tệ hại

Phải khẳng định MiG-29 có lịch sử không chiến rất tệ hại. Tất nhiên, phần lớn nguyên nhân là bởi vì chúng thường được sử dụng bởi các quốc gia kém phát triển trong khi họ phải đương đầu với các đối thủ hùng mạnh phương Tây có số lượng máy bay áp đảo, được huấn luyện và tổ chức tốt hơn.

Bước ngoặt đến với dòng tiêm kích đình đám này trong không chiến khi đã có 2 chiếc MiG-29 của Syria bị tiêm kích F-15 Israel bắn hạ vào năm 1989. Ngoài ra cũng có 2 chiếc MiG-29 khác của Syria được cho là đã bị bắn hạ vào năm 2001.

Trong cuộc chiến Vùng Vịnh, đã có 5 chiếc MiG-29 Iraq bị F-15 Mỹ bắn hạ. Tuy nhiên, MiG-29 cũng có chiến công từng được ghi nhận khi bắn trúng 1 máy bay tiêm kích F-111 và 1 pháo đài bay B-52 bằng tên lửa, nhưng cả 2 máy bay này đều đã cố về đến được căn cứ.

MiG-29 cũng từng bị đánh bại trong cuộc xung đột biên giới giữa Ethiopia–Eritrea vào cuối những năm 1990 khi không chiến với những tiêm kích được cho là "đồng cân đồng lạng". Các phi công Nga bay cùng phi công Ethiopia còn phi công Ukraine lại hỗ trợ Không quân Eritrea.

Chung cuộc, đã có 4 MiG-29 của Eritrea bị bắn hạ bởi tiêm kích Su-27 của Ethiopia. Đổi lại, MiG-29 Eritrea đã bắn hạ 1 Su-25 và 1 MiG-21 cùng 1 chiếc chiến đấu cơ chưa xác định chủng loại (có thể là 1 MiG-23).

Một loại tiêm kích Nga từng khiến cả NATO điên đảo - Ảnh 4.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Eritrea.

Trong các trận không chiến, các máy bay Su-27 và MiG-29 đã phóng tổng cộng khoảng hơn 10 quả tên lửa R-27 ở tầm xa nhưng chỉ có 1 quả trúng đích. Thay vào đó, các chiến thắng được ghi nhận là diễn ra trong các trận không chiến quần vòng sử dụng tên lửa AA-11.

16 tiêm kích MiG-29 của Không quân Nam Tư đã đối mặt với chiến dịch không kích của NATO ở Kosovo năm 1999.

Chúng được triển khai không chiến ở độ cao trung bình và dễ dàng bị radar đối phương phát hiện để rồi phải chịu hậu quả nặng nề khi có tới 5 chiếc bị các tiêm kích F-15 và F-16 bắn hạ trong khi chẳng diệt được máy bay nào của đối phương.

MiG-29 cũng được cho là đã sử dụng trong các trận tập kích mặt đất ở Nam Tư, Moldova, Nam Sudan, Sudan và Ukriane.

Các tiêm kích Mig-29 của Nga thì ít phải tham chiến, tuy nhiên cũng có vài vụ đáng ghi nhận. Năm 1989, phi công Alexander Zuyev của Liên Xô đã phản bội, bỏ trốn với 1 chiếc MiG-29 và bay tới Thổ Nhĩ Kỳ. Một chiếc MiG-29 khác đã bắn hạ 1 máy bay không người lái của Gruzia năm 2008 trong cuộc xung đột ngắn giữa Nga-Gruzia.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố 1 chiếc MiG-29 của họ cũng bắn rơi 1 chiếc Su-25 của chính mình trên vùng trời miền Đông vào năm 2014.

MiG-29 bị bắn hạ ở Lybia ngày 19/03/2011.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại