Xuất khẩu xoài Việt Nam tăng mạnh chỉ xếp sau sầu riêng
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả ghi nhận kết quả cao nhất từ trước tới nay. Nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam đang ngày càng được khách hàng quốc tế ưa chuộng, trong đó có trái xoài.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu xoài của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt 6,13 triệu USD, giảm nhẹ 0,4% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu trái xoài đạt 138,46 triệu USD, tăng mạnh 43,4% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 5,4% tỷ trọng. Mức tăng trưởng của xoài chỉ xếp sau sầu riêng.
Xoài được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu đến những thị trường khó tính, góp phần phát triển ngành nông sản của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu xoài lớn thứ 13 trên thế giới. Xoài Việt Nam đã được xuất khẩu đến 40 nước, trong đó, thị trường chủ yếu là Trung Quốc chiếm gần 84,6%; kế đến là thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay diện tích trồng xoài cả nước là hơn 115.000ha với sản lượng gần 969.000 tấn/năm.
Các tỉnh có diện tích và sản lượng xoài lớn là: Sơn La, Ðồng Tháp, An Giang, Ðồng Nai; trong đó, xoài được trồng nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long với 49.900ha. Tại Ðồng Tháp, đến nay diện tích trồng xoài là hơn 14.000ha với sản lượng gần 140.000 tấn/năm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD.
Nhiều thị trường mê mẩn xoài Việt
Trung Quốc là nước sản xuất xoài lớn thứ hai trên thế giới, chiếm khoảng 8,75% tổng sản lượng của thế giới. Mặc dù là nước có sản lượng xoài lớn trên giới nhưng nhu cầu nhập khẩu xoài của Trung Quốc cũng rất lớn.
Tại Việt Nam, xoài là một trong các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc chiếm gần 84%. Tại Trung Quốc, xoài Việt Nam nổi tiếng vì chất lượng cao và giá cả hợp lý.
Theo chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc trên trang Q2d, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây xoài phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cũng rất cao; giá nhân công rẻ nên giá thu mua cũng rẻ. Bên cạnh đó, xoài Việt Nam và xoài Hải Nam (vùng trồng xoài nổi tiếng nhất Trung Quốc) cũng như xoài Quảng Tây có thời điểm chín khác nhau.
Xoài Hải Nam thường được thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8, xoài Quảng Tây là từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 9, trong khi xoài Việt Nam lại chín vào thời điểm cuối năm. Bởi vậy, vào thời điểm này, Trung Quốc thường nhập số lượng lớn xoài Việt Nam với các chủng loại chính: Xoài tượng xanh, xoài Úc và xoài ngọt.
Hoa Kỳ cũng thị trường ưa thích xoài Việt. Ông Daniel J. Kritenbrink, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từng chia sẻ về lần đầu tiên đến TP. Cần Thơ vào năm 2018, trung tâm của ĐBSCL và ông ấn tượng với một số loại trái cây đặc sản của ĐBSCL - nơi được xem là vựa trái cây của Việt Nam.
"Khi đến đây, tôi được mời ăn một trái xoài. Đó là trái xoài ngon nhất mà tôi từng ăn từ trước đến nay. Có thể nói loại xoài đó thuộc loại ngon nhất thế giới”, ông Daniel cho hay. Được biết đây là xoài cát Hòa Lộc, loại xoài ngon nức tiếng của vùng ĐBSCL. Trái xoài có trọng lượng trung bình 350 - 450 gram, khi chín vỏ có màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng tươi, ít xơ, rất thơm, ngọt.
Việt Nam đứng thứ 12 trong các nước đang xuất khẩu xoài và sản phẩm chế biến từ xoài tới Mỹ. Đáng lưu ý, giá xoài Mỹ nhập từ Việt Nam năm 2023 đạt 3.017 USD/tấn, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Giá này chỉ bằng nửa xoài Thái Lan nên có khả năng cạnh tranh lớn.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang nổi lên là một quốc gia tích cực nhập khẩu xoài Việt Nam. Việt Nam đang là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho xứ sở kim chi. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 1,74 nghìn tấn, trị giá 7,21 triệu USD (hơn 170 tỷ đồng), tăng 19,6% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân 9T/2023 sang thị trường này đạt 4.146,2 USD/tấn.
Theo nguồn freshplaza.com, Hàn Quốc ngày càng chuyển hướng tập trung vào trái cây nhiệt đới. Trái cây theo mùa ở Hàn Quốc sẽ có sự thay đổi rất nhiều trong những thập kỷ tới, vì nhiệt độ ấm hơn sẽ dần làm giảm diện tích canh tác đối các loại cây ăn quả phổ biến ở đây.
Táo, nho và lê có thể giảm dần tại thị trường Hàn Quốc, trong khi các loại trái cây nhiệt đới như xoài và chanh dây của Việt Nam sẽ ngày càng chiếm vị trị quan trọng tại thị trường này.