Mặt hàng xuất khẩu tỷ USD
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng Cục Hải quan cho biết trong năm 2022, sắn và các mặt hàng từ sắn là một trong những mặt hàng tăng trưởng ấn tượng, gia nhập nhóm các ngành xuất khẩu tỷ đô cho Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 3,25 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2022 ở mức 432,7 USD/tấn, tăng 5,6% so với năm 2021.
Sắn từ lâu đã được coi là mặt hàng “nhà trồng được” của Việt Nam bởi diện tích trồng lớn và sản lượng hàng năm ở mức cao. Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2021, diện tích sắn trên cả nước đạt hơn 500.000 ha, tập trung tại 5 vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam trung bộ, vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ với năng suất bình quân đạt 20,3 tấn/ha; sản lượng đạt gần 10,7 triệu tấn.
Về giá sắn thu mua, trong năm 2022, giá sắn tươi dao động trong khoảng 2.700 – 3.100 đồng/kg, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm, giá sắn ở mức 2.850-3.050 đồng/kg.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam chủ yếu là sắn lát khô và tinh bột sắn. Giá xuất khẩu bình quân sắn năm 2022 ở mức 290,7 USD/tấn, tăng 11,3% so với năm 2021.
Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022, chiếm 91,67% về lượng và chiếm 91,47% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước với 2,98 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với năm 2021.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2022 ở mức 356,8 USD/tấn, tăng 6,6% so với năm 2021.
Vì sao Trung Quốc liên tục tăng thu mua sắn của Việt Nam?
Cục Xuất nhập khẩu dự báo nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ Trung Quốc vẫn cao do thị trường này tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng. Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan với hơn 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm.
Trong năm 2023, ngành sắn dự báo tiếp tục là mặt hàng tăng trưởng mạnh. Thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu sắn của Việt Nam khi lượng nhập khẩu của thị trường này luôn chiếm đến hơn 90% trong những năm gần đây. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam.
Nguyên nhân của mức tăng này là do Việt Nam nằm trong Top các quốc gia hàng đầu về xuất khẩu sắn. Thêm vào đó Trung Quốc là một quốc gia đông dân, nhu cầu về các sản phẩm có nguồn gốc từ sắn như bánh, mì,… thì Trung Quốc còn sử dụng sắn trong chăn nuôi.
Ngành chăn nuôi là một trong những ngành mũi nhọn của Trung Quốc với vai trò là nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Năm 2022, Trung Quốc sản xuất được 55,41 triệu tấn thịt heo, chính vì vậy nhu cầu sử dụng trong chăn nuôi ở mức cao.
Sắn là mặt hàng thay thế hữu ích cho các mặt hàng thức ăn chăn nuôi như khô đậu tương, ngũ cốc,…trong bối cảnh khủng hoảng lương thực đang dâng cao. Trong năm 2022, những mặt hàng này ghi nhận sản lượng ở mức thấp và giá liên tục lập kỷ lục do những vấn đề liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine.
Sản lượng đậu tương của Trung Quốc cũng ở mức thấp cộng với yếu tố thời tiết hạn hán, sản lượng thiếu hụt đã khiến Chính phủ nước này kêu gọi người dân đẩy mạnh trồng đậu tương đi kèm với những ưu đãi cho người nông dân, tuy nhiên sản lượng chưa thể hồi phục và nhu cầu về sắn sẽ còn ở mức cao.
Không chỉ vậy, giá đường trắng tại Trung Quốc đang tăng mạnh từ cuối năm 2022 đến nay. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu thay thế đường trắng bằng đường từ các loại tinh bột, trong đó có tinh bột sắn. Trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 659,84 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 248,14 triệu USD, tăng 37,1% về lượng và tăng 23,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc chiếm 93,8% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2023.
Trong năm 2023, trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu và Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa. Đây sẽ là đích đến tiềm năng cho sắn của Việt Nam với vị trí địa lý gần, chi phí logistics thấp hơn so với các thị trường khác.
Trong 2 tháng đầu năm, giá sắn thu mua cũng ở mức cao do lượng nguyên liệu sắn đang ít dần sau Tết. Hiện giá sắn tươi thu mua tại Tây Ninh (cả sắn Campuchia và sắn nội địa) dao động ở mức 3.150-3.250 đồng/kg; tăng 100 đồng/kg so với tuần trước.