Một loại công nghệ bị nhận xét không bằng Mỹ, Hàn… nhưng láng giềng Việt Nam vẫn tạo kỷ lục mới, vượt xa phần còn lại của thế giới

Minh Tiến |

Trung Quốc xác lập kỷ lục trong lĩnh vực robot.

Một loại công nghệ bị nhận xét không bằng Mỹ, Hàn… nhưng láng giềng Việt Nam vẫn tạo kỷ lục mới, vượt xa phần còn lại của thế giới- Ảnh 1.

Theo SCMP, trong lĩnh vực robot, Ezell – Giám đốc Information Technology and Innovation Foundation (ITIF) cho biết, "chúng tôi từng thấy rằng bản thân các công ty Trung Quốc không có tính sáng tạo như các công ty Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai nhiều robot công nghiệp hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại”.

"Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ tận dụng robot và tự động hóa thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế sản xuất của mình", giám đốc ITIF nói thêm.

Tại Hội nghị Robot Thế giới 2024 diễn ra ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, ông Tân Quốc Bân, cho biết Trung Quốc đã duy trì vị thế là thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới suốt 11 năm liên tiếp. Theo ông, trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp robot của nước này đã "vươn mình từ nhỏ bé thành khổng lồ", trở thành lực lượng chủ đạo trong đổi mới công nghệ và quản trị toàn cầu.

Tính đến tháng 7/2024, Trung Quốc nắm giữ hơn 190.000 bằng sáng chế robot, chiếm tới 2/3 tổng số bằng sáng chế liên quan đến robot trên toàn thế giới. Năm 2023, sản lượng robot công nghiệp của Trung Quốc đạt 430.000 bộ, và trong 3 năm liên tiếp, nước này chiếm hơn một nửa số robot lắp mới toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đã đạt những bước tiến vượt bậc trong công nghệ cảm biến, nhận thức, và điều khiển sinh học. Chương trình "Robot +" đang được triển khai sâu rộng, thúc đẩy sự ứng dụng robot vào mọi lĩnh vực công nghiệp. Trong vòng 10 năm, số lượng robot trên 10.000 công nhân tại các nhà máy sản xuất của Trung Quốc đã tăng vọt gần 9 lần, từ 49 lên 470 bộ.

Không dừng lại ở đó, lĩnh vực robot hình người tại Trung Quốc cũng đang bước vào giai đoạn bùng nổ kể từ năm 2023. Dự đoán đến năm 2026, quy mô ngành công nghiệp này sẽ vượt 20 tỷ nhân dân tệ (hơn 2,8 tỷ USD), đưa Trung Quốc vào vị thế thống trị không chỉ trong công nghiệp robot mà còn trong cả tương lai của tự động hóa toàn cầu.

Các lĩnh vực thúc đẩy nhu cầu về robot công nghiệp tại Trung Quốc bao gồm điện và điện tử (18,7%), phụ tùng ô tô (14,7%) và sản xuất kim loại (11,7%). Đáng chú ý, lượng robot công nghiệp phục vụ ngành năng lượng mặt trời đã tăng vọt 90% so với năm trước.

Về quy mô thị trường, robot hàn tự động tại Trung Quốc được định giá 12,74 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ USD) trong năm ngoái, trong khi thị trường robot di động bùng nổ lên tới 21,2 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD).

Báo cáo Robot Thế giới mới nhất của Liên đoàn Robot Quốc tế cho thấy, trong năm 2023, 70% tất cả các robot mới trong năm 2023 đã được lắp đặt ở châu Á, 17% ở châu và 10% ở châu Mỹ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường sản xuất robot lớn nhất thế giới.

Hiện nay, ngành công nghiệp robot toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, theo tờ Handelsblatt của Đức. Tổng thư ký Hiệp hội Robot Thế giới (IFR) Susanne Bieller cho biết, một nửa số robot mới trên thị trường toàn cầu được lắp đặt tại Trung Quốc, biến nước này thành thị trường tiêu thụ robot lớn nhất thế giới.

Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc không chỉ đóng vai trò cốt lõi trong ngành sản xuất robot, mà còn là trụ cột quyết định của cả ngành. Nếu doanh số bán robot tại Trung Quốc sụt giảm, phần còn lại của thế giới gần như không thể bù đắp nổi khoảng trống này, bà Bieller nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại