Một loài cá của Việt Nam 'vươn tầm' ở Trung Quốc, chuyên gia kinh ngạc: Điều gì xảy ra với vị thế của Bắc Kinh?

Vy Lam |

“Chúng tôi luôn cho rằng người Trung Quốc không thích ăn cá phi lê lắm, nhưng trong năm 2022, họ đã mua cá tra nhiều hơn cả mức mua ở Mỹ và châu Âu cộng lại” – Ông Nikolik cho hay.

Một loài cá của Việt Nam vươn tầm ở Trung Quốc, chuyên gia kinh ngạc: Điều gì xảy ra với vị thế của Bắc Kinh? - Ảnh 1.

Thu hoạch cá tra tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Trung Quốc gia tăng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam

Theo chuyên gia phân tích thủy hải sản cấp cao Gorjan Nikolik tại Rabobank (Hà Lan), trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã giữ vị thế là nước xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 12 tháng qua, với sản lượng nhập khẩu tăng tới 30%, nước này đã trở thành quốc gia nhập khẩu ròng, báo hiệu một sự thay đổi then chốt trong lĩnh vực thủy hải sản.

Mặt hàng chiếm phần lớn trong sản lượng nhập khẩu gia tăng của Trung Quốc năm ngoái là tôm, với 564.597 tấn nhập từ Ecuador và 136.838 tấn nhập từ Ấn Độ. Điều này đã phản ánh tác động của việc Trung Quốc mở rộng cửa trở lại đối với dịch vụ cung ứng thực phẩm – một lĩnh vực đã bị tê liệt do những hạn chế và lo ngại về COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.

Đáng nói, trong số các mặt hàng mà Trung Quốc gia tăng nhập khẩu còn có ca tra phi lê của Việt Nam. Chuyên gia Nikolik rất ngạc nhiên khi thấy sản lượng nhập khẩu cá tra phi lê từ Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 của Trung Quốc đã tăng mạnh – tăng 109% về sản lượng và 147% về giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là bước tăng trưởng được ngành cá tra của Việt Nam hoan nghênh, đồng thời cũng cho thấy sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

Một loài cá của Việt Nam vươn tầm ở Trung Quốc, chuyên gia kinh ngạc: Điều gì xảy ra với vị thế của Bắc Kinh? - Ảnh 2.

Cá tra Việt Nam đang trở thành loài cá thịt trắng nuôi được yêu thích số 1 ở nhiều thị trường. Nguồn ảnh: VNA

Thật ngạc nhiên bởi Trung Quốc vốn là ‘gã khổng lồ’ trong lĩnh vực sản xuất – xuất khẩu cá thịt trắng, nước này còn đang là quốc gia xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới, thế nhưng lại nhập khẩu một lượng lớn cá tra.

Điều này cho thấy cá tra đang có lợi thế hơn (ở thị trường Trung Quốc) và phản ánh nhu cầu ngày càng gia tăng tại quốc gia hơn 1.4 tỷ dân đối với các sản phẩm thủy hải sản tiện lợi. Chúng đặc biệt phổ biến với thế hệ trẻ thành thị - những người không có thời gian để chế biến các bữa ăn thủy hải sản truyền thống ” – Ông Nikolik nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia, sự thay đổi này “rất thú vị” bởi “ Trung Quốc còn là nhà sản xuất cá rô phi lớn nhất hiện nay ” và bởi “ chúng tôi luôn cho rằng người Trung Quốc không thích ăn cá phi lê lắm, nhưng trong năm 2022, họ đã mua cá tra nhiều hơn cả mức mua ở Mỹ và châu Âu cộng lại ”.

Không còn đặt mục tiêu nhà xuất khẩu ròng

Những xu hướng trở nên phổ biến và tồn tại lâu dài ở Trung Quốc thời gian qua là một phần nguyên do thúc đẩy nước này gia tăng nhập khẩu thủy hải sản. Theo ông Nikolik, dân số của Trung Quốc đang già đi nhưng ngày càng “giàu có”, nhiều người rời bỏ nghề nuôi cá và đánh bắt tự nhiên để chuyển sang lĩnh vực mới.

Nói cách khác, trong thị trường nội địa Trung Quốc, người dân đang sản xuất ít đi nhưng lại tiêu dùng nhiều hơn. Họ có xu hướng chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn, dẫn tới sự chuyển đổi từ nuôi/chế biến cá sang sản xuất pin hoặc ô tô điện – những thứ có giá trị và tiềm năng xuất khẩu cao hơn.

Một loài cá của Việt Nam vươn tầm ở Trung Quốc, chuyên gia kinh ngạc: Điều gì xảy ra với vị thế của Bắc Kinh? - Ảnh 3.

2022 là năm đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu thủy sản ròng. Nguồn ảnh: Rabobank

Trung Quốc dường như đang nới lỏng chính sách tự cung ứng thủy hải sản, và không còn xác định mình là quốc gia xuất khẩu ròng tầm cỡ lớn nữa ” – Ông Nikolik nêu quan điểm, nhưng nói thêm rằng đây là một tiến trình tự nhiên đối với nền kinh tế. Bắc Kinh có thể sẽ đi theo mô hình của Mỹ và châu Âu.

EU có thâm hụt thương mại thủy hải sản là 28 tỷ USD, còn Mỹ là 25 tỷ USD. Nuôi cá hiếm khi là lựa chọn mang lại giá trị gia tăng cao nhất trong một nền kinh tế có quy mô lớn của một lục địa ” – Vị chuyên gia nhận xét.

Mặc dù vậy, ông Nikolik nhận thấy thị trường thủy hải sản nội địa của Trung Quốc – đặc biệt là đối với cá chép và cá rô phi – có khả năng vẫn mạnh.

Trung Quốc vẫn sản xuất 1,5 triệu tấn cá rô phi mỗi năm, nhưng nếu 10 năm trước, 90% số cá này được xuất khẩu thì nay chỉ là 20%. Họ cũng đang nhập khẩu cá thịt trắng từ Việt Nam và trở thành nhà nhập khẩu ròng.

Tự cung tự cấp có thể vẫn là một phần trong chính sách của chính phủ Trung Quốc ở một mức độ nào đó, nhưng có vẻ việc trở thành quốc gia xuất khẩu ròng không còn là mục tiêu của họ nữa ” – Chuyên gia Nikolik kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại