Mới đây, Liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity (viết tắt là liên danh tư vấn) có báo cáo lần ba - kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia góp ý Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (đồ án) gửi UBND Tp.HCM. Đồ án nêu ra bảy chiến lược phát triển đô thị dọc bờ sông Sài Gòn.
Trong báo cáo, liên doanh trên tư vấn: Lấy không gian ven bờ sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, từ khu vực trung tâm truyền thống ở ven sông, phát triển dải đô thị hai bên sông như “trái tim mở rộng” và là vùng trung tâm quan trọng, có giá trị nhất của Tp.HCM.
Theo đó, dải đô thị bờ sông này sẽ trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách. Đây cũng là điểm đến mang bản sắc độc đáo, gắn với cảnh quan của dòng sông trong xanh, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Tp.HCM.
Đồng thời, tương lai Tp.HCM sẽ tổ chức dải công viên công cộng liên tục ven bờ sông, để đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông, kết nối các trung tâm sinh thái - cảnh quan, văn hóa, kinh tế...
Cụ thể, liên danh tư vấn đề xuất chia sông Sài Gòn thành ba khu vực (theo chiều dài sông) để phát triển 17 công viên ven bờ sông gồm: Khu vực phía bắc, khu vực trung tâm TP và khu vực phía nam.
Trong đó, khu vực phía bắc sẽ phát triển bốn công viên ven sông quan trọng: Công viên ven bờ sông gần bến đò Cá Lăng (huyện Củ Chi), công viên trung tâm mới ở quận 12 - huyên Hóc Môn, công viên bờ sông kết hợp điểm du lịch Một thoáng Việt Nam (huyện Củ Chi), công viên trung tâm mới tại Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi).
Khu vực trung tâm Tp.HCM có sáu công viên: Công viên văn hóa Gò Vấp (quận Gò Vấp), Công viên Thủ Thiêm, Công viên chân cầu Phú Mỹ, khu công viên Thanh Đa, Công viên Tam Phú và Công viên Rạch Chiếc (TP Thủ Đức).
Khu vực phía nam có bảy công viên: Công viên Mũi Đèn Đỏ, Công viên khu Tân Thuận, Công viên Bắc Bình Khánh, Công viên bến Hiệp Phước, công viên trung tâm đô thị thích ứng (huyện Nhà Bè), Công viên bến Hiệp Phước, công viên trung tâm đô thị mới và công viên của khu đô thị lấn biển (huyện Cần Giờ).
Theo liên danh tư vấn, dải đô thị ven sông Sài Gòn sẽ trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách.
Đại diện liên danh này cho biết, không gian bờ sông Sài Gòn là không gian quan trọng, mang tính chất đột phá của Tp.HCM trong thời gian tới.
“Không gian bờ sông Sài Gòn là nơi đóng góp và có thể nâng tầm TP.HCM lên, khó nơi nào có không gian phát triển mà ven sông mà chúng ta đang có. Đó là lý do vì sao chúng tôi đưa ra bảy chiến lược phát triển ven sông Sài Gòn trong đồ án lần này.
Với các khu vực phát triển công viên bờ sông (17 công viên), ngoài việc chúng ta có thể cải tạo ngay các khu vực này để tạo ra không gian sống thì chúng tôi cũng đã làm việc với ngành du lịch TP để tiếp thu, kết hợp nhu cầu và nguyện vọng của ngành du lịch để phát triển khu vực bờ sông Sài Gòn”, đại diện này nhấn mạnh.