Một kiểu người chúng ta nhất định sẽ gặp trong đời, thoáng qua tưởng tốt nhưng càng tiếp xúc, càng gây hại cho chính mình: Không tỉnh táo để nhận ra, cái giá phải trả đôi khi cực đắt

Phương Thuý |

Người không có nguyên tắc và lý trí thì không nên làm “người tốt” vì sự lương thiện của họ có thể gây ra những tai họa đáng sợ cho người xung quanh.

1.

Trong đạo Phật, từ bi và trí tuệ thường được đặt song hành và có tầm quan trọng tương đương nhau. Tình thương phải đi đôi với sự hiểu biết thì mới trở thành lòng tốt có giá trị, phát huy hết tác dụng cần thiết.

Có một thầy trụ trì nọ vốn rất hiền lành, bao dung. Một ngày, thầy cho người quét vôi lại chánh điện chùa và có ý định viết lời kinh lên vách để tăng vẻ trang nghiêm. 

Các Phật tử tại đây vô tình biết được đã xin thầy cho phép họ chịu trách nhiệm việc viết kinh này.

Thầy trụ trì vui vẻ đồng ý. Mọi người cũng xem đây là việc làm công quả, muốn góp sức mình xây dựng cảnh chùa trở nên đẹp hơn nên ra sức sưu tầm lời kinh rồi hăm hở tự tay viết từng chữ lên vách.

Tuy nhiên, không phải ai cũng khéo tay, không phải chữ ai cũng đẹp, không phải ai cũng viết được bằng sơn nước lên tường. 

Cho nên, thành quả cuối cùng mà người ta thấy đa số đều là những lời kinh được viết xiêu vẹo, nguệch ngoạc trên bức tường trắng. 

Cũng vì thế, họ đã vô tình đánh mất vẻ trang nghiêm của ngôi chánh điện vì lòng nhiệt tình của mình.

Nếu các Phật tử biết phát tâm đóng góp những gì nằm trong giới hạn khả năng của mình, những gì mình có thể làm được cho chùa, hoặc tìm cho chùa một họa sĩ hay người có khiếu viết chữ đẹp, có khả năng viết chữ lên tường bằng sơn nước thì sự phát tâm ấy có giá trị hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp không ít tình huống tương tự như vậy. 

Cha mẹ thương con không đúng cách, chỉ biết nuông chiều, đáp ứng mọi đòi hỏi hay bao dung cho mọi sai lầm của con thì sớm muộn gì cũng làm ảnh hưởng tương lai đứa trẻ đó. 

Hoặc cha mẹ chỉ làm theo ý mình, tự mặc định những gì mình làm là tốt nhất cho con, nhưng về bản chất lại không hiểu nhu cầu thực sự của con trẻ thì càng dễ đem tới những phản ứng trái chiều, hậu quả gây ra không như ý.

Hoặc như khi bạn nghe vợ/chồng người ta than thở chuyện gia đình từ một phía, không hiểu rõ chân tướng và căn nguyên sự việc, nhưng vẫn cố đứng ra tư vấn, giải quyết giùm thì vô tình, hành động của bạn có thể dẫn tới những mâu thuẫn, xung đột càng thêm gay gắt, trầm trọng hơn.

Nhà triết học Bertrand Russell cũng từng nói: “Nếu thiện lương mà không có lý trí, đó chỉ là lòng tốt vô nghĩa.”

Dân gian chúng ta cũng có câu nói tương tự không kém: "Nhu dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại".

Có nhiều người đã phạm phải sai lầm này, không hiểu gì về sự việc, chỉ thấy phiến diện, hiểu nông cạn, không biết cách giải quyết, nói và làm theo cảm tính nhưng rất nhiệt tình, chẳng những không gỡ rối cho người ta được mà còn làm cho sự việc rối rắm thêm. 

Vì thế, dù muốn giúp ai đó nhưng sự việc nằm ngoài khả năng hiểu biết, hãy cẩn trọng đừng biến mình thành kẻ phá hoại.

Một kiểu người chúng ta nhất định sẽ gặp trong đời, thoáng qua tưởng tốt nhưng càng tiếp xúc, càng gây hại cho chính mình: Không tỉnh táo để nhận ra, cái giá phải trả đôi khi cực đắt - Ảnh 2.

2.

Vị triết gia Hy Lạp Sokrates từng nói: “Kẻ vô tri không có tư cách làm việc thiện”.

Có một phóng sự từng đưa tin, một người mẹ ở Thanh Đảo, Trung Quốc đã dùng phương thuốc cổ truyền để chữa tiêu chảy cho con, cuối cùng gây ra thảm họa.

Trước đó, con gái 5 tháng tuổi của cô bắt đầu đi tả, cô đi mua rất nhiều thuốc trị tiêu chảy nhưng không có kết quả gì. 

Trong khi cả nhà chồng đều nhắc đưa bé đi bệnh viện khám đi, cô lại nghe lời một cụ già trong thôn, sử dụng lá cây vạn niên thanh giã nhuyễn, đắp lên chân với hy vọng trị tả.

Ai ngờ, chỉ ít lâu sau, bé gái bắt đầu khóc quấy không ngừng, phần chân thì sưng tấy, đỏ ửng bất thường. 

Đến khi đưa vào viện khám, bác sĩ chẩn đoán đây là tình trạng bỏng hóa học, nguy cơ cao để lại vết sẹo trên da, thậm chí là tổn thương chức năng của các khớp xương chân.

Có lẽ, người mách cho cô cách chữa dân gian này cũng có ý tốt, nhưng ý tốt không đi kèm với tri thức chính xác lại gây ra một tai nạn, để lại những hậu quả xót xa.

Trong tâm lý học, có một thuật ngữ gọi là "Hiệu ứng Dunning–Kruger”, là một dạng thiên kiến nhận thức trong đó mọi người đánh giá khả năng nhận thức của họ cao hơn năng lực thực tế.

Không phải người tốt nào cũng đáng tin, cũng không phải chuyện gì được nhân danh lòng tốt cũng được tha thứ, nếu không có IQ và tư duy logic thông thường.

Lòng tốt vô tri, cảm động chính mình, tai họa người khác.

3.

Những người có IQ thấp, không thể tư duy theo logic thông thường đều khó có thể đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để suy nghĩ thật cẩn thận. Những gì họ làm chỉ là đưa ra những lời khuyên ba phải, hoặc quá thiên về ý kiến chủ quan.

Có một đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, chịu đủ trăm đắng ngàn cay mới có thể bình an trưởng thành, lại vất vả trăm bề để tự nỗ lực mưu sinh, mãi mới có thể đạt được một chút hạnh phúc và yên bình. 

Nhưng bỗng dưng một ngày, đôi vợ chồng trung niên tìm đến nhà, tự nhận mình là bố mẹ ruột và cầu xin con mình tha thứ vì đang mắc bệnh nan y sắp chết.

Một kiểu người chúng ta nhất định sẽ gặp trong đời, thoáng qua tưởng tốt nhưng càng tiếp xúc, càng gây hại cho chính mình: Không tỉnh táo để nhận ra, cái giá phải trả đôi khi cực đắt - Ảnh 4.

Người con tuy đồng tình nhưng lại không thể bỏ qua những chuyện đã xảy ra, cũng không thể tha thứ mà nhận họ làm bố mẹ yêu thương hết lòng.

Họ hàng xung quanh đều chỉ biết trách mắng người con máu lạnh vô tình, dứt bỏ cả máu mủ tình thâm, thù hận chính cha mẹ đã sinh ra mình. 

Nhưng họ lại vô tư bỏ qua sự thật rằng, người dứt bỏ máu mủ tình thâm đầu tiên không phải đứa con, mà chính là cha mẹ của nó.

Cây kim không đâm vào người bạn, bạn sẽ chẳng bao giờ biết cảm giác đau. Tương tự như vậy, tổn thương mà bạn không chịu đựng, đương nhiên bạn có thể dễ dàng khuyên người khác hãy bao dung, tha thứ.

Bao dung với cái ác một cách vô điều kiện cũng là một loại tội ác.

Người không quan tâm tới cảm nhận của đương sự, chỉ liên tục chủ trương dĩ hòa vi quý, khuyên bảo bao dung, chính là biểu hiện của lòng tốt vô tri, là sự thiện lương không có IQ điển hình.

Ở rất nhiều thời điểm, chúng ta sẽ dần cảm thấy, người tốt mà có IQ thấp còn đáng sợ hơn cả kẻ tiểu nhân lòng dạ hiểm ác. 

Đó là sự thiện lương không phân biệt đúng sai, có trình độ hiểu biết thấp, không suy ngẫm trên lập trường của người khác, chỉ biết dùng để tự cảm động chính mình.

Người tốt thực sự sẽ biết đặt mình vào hoàn cảnh đối phương để xem xét, chứ không lấy bản thân làm trung tâm, rồi ban phát những hành động và lời nói mang tính thương hại, từ thiện như vậy. 

Trước hết phải hiểu, sau đó phải tư duy, rồi giữ sự đúng mực, đó mới là thiện lương đích thực mà mỗi người nên hướng tới.

Đừng giống như nhà khoa học chính trị người Anh Friedrich Hayek đã nói: "Khi lòng tốt mất đi nguyên tắc của mình, nó có thể tồi tệ hơn cả cái ác".

Làm người tốt là không sai, nhưng sự thiện lương của bạn còn phải đi kèm với tư duy và lý trí hoàn thiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại