Nội dung chính
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển 29,22 ha đất rừng để thực hiện Dự án Khu tham quan chuyên đề nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh.
Ngày 9/8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký văn bản số 606/TTg-NN của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý chủ trương cho chuyển 29,22 ha đất rừng để thực hiện Dự án Khu tham quan chuyên đề nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen - thuộc Khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh.
Văn bản nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Dự án Khu tham quan chuyên đề nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen đáp ứng tiêu chí dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện Dự án.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện về tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ và tài liệu số liệu liên quan; UBND tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, việc xác định vị trí, tính chất du lịch sinh thái của dự án…
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát kỹ hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; xác định chính xác nhu cầu thực tế, vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đảm bảo sử dụng ít nhất diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác; thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo chủ đầu tư dự án rà soát, thực hiện nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 theo đúng quy định.
Trước đó, vào đầu tháng 5, Tây Ninh công bố danh mục dự án ưu tiên đầu tư năm nay. Trong đó có khu tham quan chuyên đề, nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen có diện tích gần 70 ha, nằm ở xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh.
Dự án được đầu tư theo đồ án quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt, nhằm đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa, tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao và du lịch sinh thái.
7 tháng, cáp treo núi Bà Đen đã đón vị khách thứ 4 triệu
Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu du lịch tỉnh Tây Ninh đạt 1.845 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt thêm 455 tỷ đồng và hơn 2,1 triệu người đến các khu, điểm du lịch.
Theo ghi nhận từ Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain (tỉnh Tây Ninh), từ đầu 2024 đến ngày 2/8/2024, hệ thống cáp treo lên núi Bà Đen đã đón vị khách thứ 4 triệu. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy lượng khách đến khu du lịch núi Bà Đen trong năm nay hứa hẹn sẽ tăng đáng kể.
Núi Bà Đen nằm ở phía Đông Bắc thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố 11km. Đây là ngọn núi cao nhất Nam Bộ (986m), nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh và du lịch núi Bà Đen đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia, theo Trung tâm thông tin Xúc tiến du lịch Tây Ninh.
Núi Bà Đen là một danh thắng nổi tiếng, được coi là biểu tượng của tỉnh Tây Ninh. Từ núi Bà Đen nhìn xuống, sẽ thấy cả một vùng đồng bằng mênh mông bao phủ ngoại ô thành phố Tây Ninh.
Nơi đây còn thu hút du khách bởi một quần thể kiến trúc điện, chùa, miếu, tháp… đều mang đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trải khắp từ chân núi, sườn núi, lên đến đỉnh.
Trên núi Bà Đen có một số ngôi chùa như: chùa Phật, chùa Hang, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Vân Sơn… Ngoài ra, tại đây còn có nhiều động nhỏ: động Thanh Long, động Ba Cô, động Ba Tuần…
Theo quyết định Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen đến năm 2035, Tây Ninh sẽ phát triển nơi này thành khu du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đa dạng sản phẩm và loại hình du lịch (truyền thống, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí).
Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.