Thành tích học tập rất tốt nhưng ra trường 1 năm vẫn 3 lần thất nghiệp
Thời gian trước, một đồng nghiệp tâm sự với tôi: Con gái chị ấy đã tốt nghiệp đại học một năm nhưng gần đây lại thất nghiệp ở nhà, không có việc gì để làm. Đây là lần thứ 3 cháu thất nghiệp kể từ khi tốt nghiệp.
"Trước đây con gái tôi không như vậy. Thời đi học, thành tích học tập của cháu luôn rất tốt. Từ nhỏ, chúng tôi đã cho cháu học ở trường mầm non tốt nhất, trường tiểu học tốt nhất. Cháu luôn là học sinh xuất sắc ở trường trung học.
Nhờ thành tích đó, cháu được tuyển thẳng vào trường đại học có tiếng. Hồi đại học, cháu giành được không ít học bổng, còn thường xuyên phát biểu trong các buổi họp lớp. Nhưng không hiểu tại sao sau khi đi làm thì hoàn toàn thay đổi."
Chị đồng nghiệp không kìm chế được đã gọi điện hỏi quản lý cũ của con gái lý do sa thải cháu.
Câu trả lời của người quản lý đó khiến chị ấy không khỏi lo lắng: "Thái độ làm việc của con gái chị rất lười biếng, làm việc không chủ động thì thôi, bản thân công việc được giao cũng luôn lề mề, hơn nữa còn không tiếp thu ý kiến phê bình, hễ nhắc nhở là giận dỗi bỏ đi."
Nghe người quản lý nói, chị đồng nghiệp giật mình: "Con gái tôi rất ưu tú. Trước đây, cháu luôn là niềm tự hào của tôi. Tôi cũng cảm thấy mình là một người mẹ rất thành công nhưng sao trong phút chốc lại thành ra thế này?"
Căn nguyên của vấn đề
Tôi lại cảm thấy sự việc chắc chắn không phải là trở nên tồi tệ trong "phút chốc".
Chắc chắn con gái chị ấy có những điểm không tốt, chẳng hạn như: Không giỏi giao tiếp, không biết tôn trọng người khác, tâm lý yếu đuối, tinh thần trách nhiệm kém… Chỉ là trước khi tốt nghiệp đại học, thành tích học tập đã che giấu chúng mà thôi.
Rất nhiều cha mẹ có tư duy sai lầm rằng, con cái chỉ cần khỏe mạnh, vui vẻ, học tập tốt thì tất cả đều tốt.
Khi con 2 tuổi, bạn làm bữa sáng cầu kỳ cho con, dạy con học từ đơn tiếng Anh nhưng không dạy con hiểu lễ phép, phép lịch sự.
Con tự ý lấy đồ của người khác, thấy người lớn không chào hỏi, bạn cũng để ý. Và rồi sau khi đi làm, con ăn vặt, nói lớn tiếng trong phòng làm việc yên tĩnh, gặp cấp trên cũng không coi ra gì là điều đương nhiên.
Khi con 5 tuổi, bạn cho con đi học thư pháp, học đàn piano, học Tae Kwon Do nhưng không dạy con chơi vui vẻ hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa. Con chiếm đồ chơi chung làm của riêng, bạn cũng để mặc. Con bị bắt nạt thì bạn ra mặt bênh con.
Và rồi sau khi đi làm, con cướp máy tính, tranh công việc với đồng nghiệp vào làm trước, nhiều lần xảy ra xung đột mà không biết giải quyết thế nào.
Khi con 10 tuổi, bạn chỉ chú ý xem con có làm bài thi tốt không, có được khen ngợi không mà không dạy con phải biết tôn trọng thầy cô, cảm ơn cha mẹ. Con quát người lớn, bạn nghĩ là dũng cảm, đáng khen.
Khi ăn cơm, người khác chưa ngồi xuống, con bạn đã gắp hết miếng này miếng khác, bạn nghĩ con ăn no là tốt. Và rồi khi đi làm, cấp trên đang gắp thức ăn, con bạn xoay bàn; cấp trên mở cửa, con bạn lên xe; cấp trên đang họp, con bạn tán gẫu mà không hề ý thức được những việc không nên của mình.
Khi con 15 tuổi, bạn hết lòng lo lắng việc con mình có thi đỗ được vào trường đại học tốt không mà không hề dạy con làm sao để có ý chí mạnh mẽ.
Thầy cô vừa lơ là một chút là thành tích của con bạn giảm sút, họ hàng vừa bàn tán một câu là con bạn nổi giận. Bạn và con hậm hực cho rằng đều là lỗi của thầy cô và họ hàng.
Và rồi khi đi làm, cấp trên phê bình vài câu, con bạn muốn thôi việc; công việc nảy sinh chút vấn đề, con bạn hoang mang lo sợ, không chịu đựng nổi.
Khi con bạn 20 tuổi, bạn luôn nghĩ con mình có thể tìm được công việc tốt không nhưng không nói cho con biết sự đời phức tạp, cuộc sống gian nan, bạn không nỡ để con chịu khổ.
Vậy nên sau khi tốt nghiệp, con đi công tác xa, làm thêm một chút đã kêu khổ; con hoàn toàn không có khả năng ứng phó với sự bài xích, cô lập của đồng nghiệp, việc tranh giành đấu đá nơi làm việc.
Con có thể đỗ vào trường đại học danh tiếng như bạn muốn, có được học vị rất cao, thậm chí còn rất nhiều tài nghệ nhưng con ích kỷ, lạnh nhạt, yếu đuối, không có trách nhiệm, không biết điều… thì hoàn toàn không hòa nhập được với xã hội.
Xã hội như một vùng biển, con vừa xuống nước đã gặp phải những cơn sóng đánh thẳng vào người. Với người khác chỉ là cơn mưa phùn nhưng với con bạn đó là mưa to gió lớn. Với người khác chỉ là con sóng nhỏ nhưng với bạn, đó là bão táp.
Không chỉ học trường tốt, thành tích cao, điều cơ bản mà mỗi đứa trẻ cần được dạy đó là khả năng hòa nhập với cuộc sống và đó là một khả năng mang tính tổng hợp.
Thuyền nhỏ tình bạn bị lật, thuyền lớn công việc bị chìm, tàu lớn cuộc đời cũng thủng. Con sứt đầu chảy mà bạn không biết mình sai ở đâu.
Xã hội mới là tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá một con người và một cặp cha mẹ, mà tiêu chuẩn này lại mang tính tổng hợp.
Thực ra mỗi người cha người mẹ đều biết, con cái cũng có lúc phải rời xa mình, bước vào xã hội, dùng đầu óc và đôi tay của chính mình để tạo dựng cuộc đời.
Chúng ta có thể dành cho con cuộc sống thoải mái lúc còn nhỏ, hết lòng bảo vệ con nhưng chúng ta không thể theo con cả đời. Sẽ có ngày, con phải một mình đối diện với thế giới này, tự mình giải quyết khó khăn, tự mình vượt qua mưa bão.
Thế nên nếu bạn thật sự yêu con thì trước khi rời xa con, hãy dạy cho con khả năng hòa nhập với thế giới. Đây mới là sự giúp đỡ và bảo vệ lớn nhất của bạn dành cho con.