* Vietjet là hãng hàng không giá rẻ, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm, Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ 2023.
Tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough Airshow 2024 diễn ra ngày 22/7 tại London, Anh, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900). Hợp đồng này có giá trị 7,4 tỷ USD. Đây là một trong những hợp đồng lớn nhất tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough Airshow 2024.
Các máy bay mới sẽ thay thế đội máy bay A330-300 hiện tại của Vietjet cũng như hỗ trợ kế hoạch mở rộng mạng bay của hãng hàng không này.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet, máy bay A330neo mới là sự bổ sung chiến lược phát triển đội bay của Vietjet, tăng cường năng lực khai thác phục vụ phát triển mạng bay toàn cầu của hãng.
Được biết, các máy bay A330neo có tính linh hoạt vượt trội, phù hợp với tất cả mô hình kinh doanh và mạng bay từ nội địa, khu vực đến đường dài.
A330neo có thiết kế cabin Airspace từng đoạt giải thưởng, thiết lập nên một tiêu chuẩn mới về sự thoải mái, không gian và thiết kế, mang đến cho hành khách trải nghiệm bay độc đáo.
A330neo có không gian cá nhân rộng hơn, hộc chứa đồ bên trên rộng hơn, hệ thống chiếu sáng thế hệ mới, hệ thống giải trí trên chuyến bay tiên tiến nhất và kết nối đầy đủ. Được trang bị động cơ Rolls-Royce Trent 7000 tiên tiến nhất, máy bay A330-900 có tầm bay liên tục 7.200nm/13.300km.
Vietjet hoạt động ra sao?
Vietjet là hãng hàng không giá rẻ, được thành lập năm 2007. Đây cũng là hãng hàng không giá rẻ hàng đầu khu vực và là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ và giấy phép kinh doanh vận tải và khai thác hàng không. Theo số liệu Vietjet công bố, tính đến năm 2023, hãng hàng không này có thị phần nội địa lớn nhất Việt Nam 42%.
Vietjet được xếp hạng 7 sao - cao nhất thế giới về an toàn hàng không bởi tổ chức uy tín AirlineRatings, top 50 hãng hàng không tốt nhất toàn cầu về hoạt động và sức khỏe tài chính trong hai năm 2018, 2019 của AirFinance Journal...
Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet đạt 17.765 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 209% so với cùng kỳ 2023.
Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ 2023.
Trong ba tháng đầu năm, Vietjet đã khai thác an toàn gần 34.500 chuyến bay, vận chuyển được hơn 6,3 triệu lượt hành khách. Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân cao 87%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,6%.
Vận tải hành khách quốc tế trong quý 1/2024 của hãng hàng không này tăng trưởng hơn 53% và 61% về số lượng chuyến bay và lượt khách so với cùng kỳ 2023.
Trong quý, Vietjet mở mới 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140. Hãng liên tiếp công bố và khai trương các đường bay quốc tế mới gồm Phú Quốc – Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), TP HCM – Thành Đô, Tây An (Trung Quốc), TP HCM – Viêng Chăn (Lào), và các đường bay từ Hà Nội đến Hiroshima (Nhật Bản), Sydney, Melbourne (Australia).
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 85,828 nghìn tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 1,9 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không.
Về kế hoạch năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu vận tải hàng không đạt hơn 59.000 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt hơn 65.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,0% và 12,4% so với năm 2023; khai thác an toàn 142.000 chuyến bay, vận chuyển 27,4 triệu lượt hành khách.
Công ty cũng có kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024 với việc chia cổ tức và tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu với tỉ lệ tối đa 25%.