Một sự thật không phải bàn cãi, đó là giấc ngủ với chúng ta là cực kỳ quan trọng. Ngủ không chỉ là cách để cơ thể nạp lại năng lượng, mà còn là thời điểm để não bộ thay đổi cơ chế nhằm loại bỏ các độc chất sinh ra trong quá trình hệ thần kinh hoạt động lúc còn thức.
Nói cách khác, việc thiếu ngủ có thể khiến não bộ gặp nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Có điều theo một nghiên cứu mới đây trên chuột, các chuyên gia nhận thấy cơ chế loại bỏ độc của não bộ cũng xảy ra khi thiếu ngủ. Chỉ có điều, quá trình ấy bị rối loạn nặng, khiến não bộ... tự ăn chính mình.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu của nhà thần kinh học Michele Bellesi từ ĐH Bách khoa Marche (Ý) đã phát hiện ra rằng khi thiếu ngủ, não bộ sẽ quét sạch một lượng lớn tế bào và kết nối thần kinh. Nghiêm trọng hơn, đó là những tổn hại không thể phục hồi ngay cả khi ngủ bù sau đó.
Tác hại đáng sợ khi thiếu ngủ
Các thí nghiệm được thực hiện vào năm 2017. Theo đó, Bellesi đã nghiên cứu não bộ của các loài thú khi không được ngủ đủ, và nhận ra sự kỳ lạ trong não của loài chuột.
Trước tiên cần biết rằng, tế bào não cũng giống như mọi tế bào khác, cần phải liên tục được làm mới nhờ 2 loại tế bào thần kinh đệm có vai trò giống như chất kết dính trong hệ thần kinh. Trong đó, thực bào có vai trò loại bỏ các khớp nối thần kinh không cần thiết, nhằm giúp não bộ được làm mới để tiếp tục vận hành.
Khoa học biết rằng, quá trình làm mới này xảy ra trong giấc ngủ, nhằm dọn dẹp bớt các độc chất sinh ra lúc tỉnh. Có điều hóa ra, nó cũng xảy ra lúc ta thiếu ngủ, với áp lực mạnh hơn và vô tình loại luôn cả tế bào bình thường.
Nói một cách đơn giản, hãy tưởng tượng nó giống như việc bạn đi đổ rác (lúc ngủ) với chuyện ai đó vào nhà bạn và khoắng sạch mọi thứ, từ TV, tủ lạnh cho đến chú chó bạn yêu quý (lúc thiếu ngủ). "Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy các khớp nối thần kinh bị ăn bởi chính thực bào, chỉ vì thiếu ngủ," - Bellesi trả lời phóng viên trang New Scientist.
Để có được kết quả này, các chuyên gia đã quan sát hình ảnh não bộ của 4 nhóm chuột. Cụ thể như sau:
Nhóm 1: Ngủ 6-8 tiếng (ngủ đủ)
Nhóm 2: Bị đánh thức theo chu kỳ trong lúc ngủ (ngủ không ngon)
Nhóm 3: Thức thêm 8 tiếng mỗi ngày (thiếu ngủ)
Nhóm 4: Thức 5 ngày liên tiếp (mất ngủ mãn tính)
Sau đó, họ tiến hành so sánh hoạt động của thực bào trong cả 4 nhóm. Lần lượt, họ nhận thấy sự hiện diện của nó ở khoảng 5,7% khớp thần kinh của nhóm ngủ đủ (nhóm 1), và 7,3% trong nhóm ngủ không ngon (nhóm 2).
Nhưng với 2 nhóm còn lại, họ nhận ra sự khác lạ: thực bào tăng cường hoạt động đến mức ăn luôn khớp thần kinh, thay vì chỉ ăn các độc tố trong đó. Như nhóm thiếu ngủ (nhóm 3), hoạt động của thực bào lên tới 8,4%, trong khi nhóm mất ngủ mãn tính (nhóm 4) lên tận 13,5%.
Bellesi chia sẻ, việc thực bào xuất hiện nhiều nhất trong 2 nhóm thiếu ngủ - cũng là 2 nhóm già nhất - tưởng như là điều tốt. Xét cho cùng, bạn càng thiếu ngủ, độc chất càng nhiều. Tuy nhiên, khi nó xuất hiện cả trong các nhóm mất ngủ mãn tính thì lại khác. Đáng sợ hơn, quá trình "ăn mòn" này có thể dẫn đến các chứng bệnh về hệ thần kinh như Alzheimer hoặc tương tự như vậy.
Nghiên cứu vẫn còn nhiều câu hỏi cần trả lời, như việc liệu quá trình này có xảy ra trong não người hay không, và nếu ngủ bù thì liệu tổn hại này có được khôi phục. Nhưng thực tế thì số người tử vong vì Alzheimer đã tăng đến 50% kể từ năm 1999, cộng thêm việc con người ngày càng thiếu ngủ, nghĩa là chúng ta cần tìm ra giải pháp thật nhanh chóng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Neuroscience.
Nguồn: Science Alert