Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS Imke de Pater, giáo sư thiên văn học danh dự tại Trường ĐH California ở Berlerley (Mỹ) xem xét dữ liệu mà NASA chụp Sao Hải Vương từ năm 1994 đến năm 2022 và nhận ra điều kỳ lạ: Từ năm 2019, quanh các vĩ độ trung bình, độ che phủ của mây bắt đầu mờ dần.
Hiện nay, quả cầu mây xanh lơ này đã thay đổi rõ rệt, những đám mây hoàn toàn biến mất.
Sao Hải Vương trông rất khác nhau qua các thời kỳ - Ảnh:" NASA
Quyết định đào sâu hơn khám phá bất ngờ này, họ đã tìm thấy thủ phạm đáng sợ: Mặt Trời, và chu kỳ 11 năm của nó, vốn đang gây cho Trái Đất nhiều phiền toái.
Theo tờ Space, nghiên cứu này đã cho thấy không chỉ các thế giới gần như chúng ta, Mặt Trời hoàn toàn đủ sức mạnh để gây biến động lớn đến các hành tinh rất xa như Sao Hải Vương.
Chu kỳ 11 năm của nó bao gồm giai đoạn hoạt động thấp và giai đoạn hoạt động mạnh mẽ như hiện tại.
Giai đoạn hoạt động mạnh này đang khiến từ quyển Trái Đất liên tục hứng các quả pháo sáng năng lượng cao, gây ra bão địa từ.
Với Sao Hải Vương, thứ ảnh hưởng lớn nhất lại là những thời khắc chuyển tiếp của Mặt Trời, vốn tạo ra bức xạ cực tím cao hơn bình thường.
Bức xạ này tràn ngập các hệ sao, ảnh hưởng đến vài hành tinh có khí quyển đặc biệt, mà Sao Hải Vương là một trong số đó.
Phản ứng quang hóa trong giai đoạn bức xạ cực tím cao đã tạo ra lớp mây dày đặc mà NASA từng thấy trên hành tinh. Sau đó, các đám mây này mờ dần theo thời gian, chờ đợi một giai đoạn chuyển tiếp khác nữa để lại dày đặc.
Hiện nay, Mặt Trời đang tiến cần đến đỉnh cao của chu kỳ. Khi nó đạt đỉnh - có thể vào năm 2025 hoặc sớm hơn - Mặt Trời sẽ đảo ngược cực từ và chuyển sang giai đoạn "hiền hòa". Khi đó, bão địa từ sẽ bớt hoành hành trên Trái Đất, còn Sao Hải Vương có thể sẽ lại ngập mây.
Khi nhiều mây, thế giới màu xanh này sẽ sáng hơn vì có nhiều mây để phản quang hơn.
Điều này giải thích cho việc hành tinh này rất sáng trong các quan sát năm 2002, mờ đi vào năm 2007, rực sáng trở lại vào năm 2015 và hiện tại lại đang rất mờ.