Theo Science Alert, hành tinh "tội nghiệp" đó là Sao Thủy, với những "nếp nhăn" mới cho thấy nó vẫn đang tiếp tục co lại.
Đá và kim loại cấu thành nên hành tinh này này dường như liên tục co lại không ngừng trong suốt hàng tỉ năm nay, do phần bên trong của nó đang nguội đi và nhiệt bị thoát ra ngoài quá nhanh, bất chấp nó là thế giới gần Mặt Trời nhất.
Bề mặt phức tạp của Sao Thủy - Ảnh: NASA
Việc Sao Thủy bị teo lại đã được nghi ngờ từ lâu, nhưng nghiên cứu mới dẫn đầu bởi TS Ben Man từ Đại học Mở ở Anh lần đầu tiên cho thấy tốc độ thu nhỏ của hành tinh có thể rõ ràng đến đâu, cũng như việc nó vẫn tiếp tục bị teo lại.
TS Man đã phát hiện các "địa hào", là các dải đất bị rơi xuống giữa hai đường đứt gãy song song, tạo nên hình ảnh như vết sẹo mà các tàu vũ trụ đã quan sát được.
Các hào đất tự nhiên này rộng chưa đến 1 km, sâu chưa tới 100 m, cho thấy độ tuổi của chúng trẻ hơn nhiều so với cấu trúc địa hình tổng thể mà chúng đang ngự trị bên trên.
Dựa trên tốc độ mờ đi của các dấu vết trên mặt đất, nhóm nghiên cứu ước tính ra các cấu trúc này chỉ có độ tuổi dưới 300 triệu năm, là rất "gần đây" về mặt địa chất.
Tổng cộng 244 địa điểm có cấu trúc "địa hào" như vậy đã được xác định thông qua dữ liệu của tàu vũ trụ MESSENGER của NASA.
Đây sẽ là những mục tiêu chính để sứ mệnh tối tân hơn BepiColombo của châu Âu và Nhật Bản nhắm đến khi bắt đầu hoạt động trên quỹ đạo Sao Thủy vào đầu những năm 2026.
Mối nghi ngờ về việc Sao Thủy bị teo lại nhanh chóng đã dấy lên khi tàu Marine 10 của NASA tìm thấy các vách đá dốc cao hàng km, dài hàng trăm km, mọc ngoằn ngoèo khắp hành tinh này từ năm 1974. Chúng bao gồm những "nếp nhăn" có từ 3 tỉ năm trước.
Một thiên thể khác đang teo lại nhanh là Mặt Trăng, với một số "nếp nhăn" vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.