Một hành tinh đang tan chảy, dần lộ lõi kim cương trước mắt người Trái Đất

Thu Anh |

Nghiên cứu mới về hành tinh địa ngục mang tên Janssen cho thấy nó là một con thiêu thân kỳ dị, một báu vật đối với giới thiên văn theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Theo Science Alert, hành tinh thú vị này là một thành viên của hệ thống hành tinh Copernicus, nằm cách chúng ta 41 năm ánh sáng - một trong những hệ sao gần Trái Đất nhất từng được biết đến.

Một ngôi sao lùn cam chỉ nhỏ hơn một chút được đặt theo tên nhà thiên văn học lừng danh Copernicus làm trung tâm cho cả hệ, quanh đó là 5 ngoại hành tinh cũng mang tên những người từng đóng góp rất lớn cho nền thiên văn học: Galileo, Brahe, Hariot, Lipperhey và Janssen.

Một hành tinh đang tan chảy, dần lộ lõi kim cương trước mắt người Trái Đất - Ảnh 1.

Hành tinh Janssen và ngôi sao mẹ - Ảnh: ESA

Trong đó Janssen (55 Cancri e) nằm gần sao mẹ nhất. Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà thiên văn Lily L.Zhao từ Viện Flatiron (Mỹ) dựa trên những quan sát chi tiết từ thiết bị EXPES, một quang phổ kế mạnh mẽ đặt tại Đài thiên văn Lowell ở Arizona (Mỹ) đã tiết lộ ngôi sao này đang di chuyển quanh xích đạo của ngôi sao và có xu hướng ngày một tiến gần với sao mẹ hơn.

Đó là một quỹ đạo đang phân rã, tức một ngày nào đó sẽ hoàn toàn bị phá vỡ và kết cục là hành tinh lao thẳng vào ngôi sao mẹ. Các phân tích cũng cho thấy hành tinh này trước đây năm ở xa ngôi sao mẹ hơn hiện tại, nhưng nó đã bị thu hút dần dần vào trong bởi tương tác hấp dẫn.

Hiện tại Jassen đang bị "khóa" với sao mẹ, tức luôn hướng chỉ một mặt vào phía "Mặt Trời" nóng cháy. Mặt ban ngày đó nóng tới 2.300 độ C, mặt ban đêm cũng tới 676 độ C.

2.300 độ C là cực kỳ nóng, cao hơn cả magma tan chảy, nên có thể nói hành tinh này đang bị tan chảy theo nghĩa đen, một ngày nào đó sẽ phơi bày dần phần lõi mà các nghiên cứu trước đây đã tiết lộ là dày đặc kim cương.

Đây là một mảnh ghép mới và thú vị ủng hộ lý thuyết "di cư hành tinh", tức các hành tinh của một hệ sao hoàn toàn có thể thay đổi vị trí, thậm chí thay đổi nhiều và xáo trộn cấu trúc của cả hệ từ khi hình thành đến khi kết thúc vòng đời.

Trong hệ Mặt Trời, Sao Mộc - hành tinh ra đời đầu tiên - được cho là đã di cư một quãng lớn từ phía xa vào gần Mặt Trời và góp phần rất lớn vào việc định hình cả hệ.

Đối với hệ Copernicus, các nhà thiên văn dự đoán cả hành tinh Galileo với quỹ đạo hơn 14 ngày cũng sẽ di chuyển dần vào trong và tiếp nối số phận của hành tinh Janssen.

Hệ sao này sẽ được giới thiên văn chăm sóc chu đáo với hy vọng được nhìn thấy nhiều hơn về sự thay đổi của hành tinh Janssen trong chặng đường tự hủy diệt, cũng như khám phá những yếu tố độc đáo của 4 ngoại hành tinh còn lại.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại