Nói đến Tào Tháo, hẳn mọi người đều không xa lạ. Người đời sau nhắc đến ông, thường phải thêm vào mấy câu mắng mỏ, cứ thế trôi qua mấy nghìn năm, danh tiếng của Tào Tháo ngày càng trở nên ác hơn.
Trong Kinh kịch, mặt nạ của Tào Tháo cũng được vẽ mặt trắng, thể hiện tính cách gian ác, tàn bạo của ông. Có thể thấy hình ảnh Tào Tháo trong mắt người đời vô cùng xấu. Nhưng, dù cho hình ảnh của Tào Tháo bị tiểu thuyết, phim ảnh làm cho hắc hóa, trở nên ác độc, không ra gì thế nào đi nữa, vẫn có không ít người say mê, yêu thích nhân vật này.
Có câu, loạn thế xuất anh hùng, Tào Tháo sinh ra trong thời loạn và trở thành một người hiếm có trong lịch sử, là người thành lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam quốc.
Thuở thiếu thời, Tào Tháo đã bộc lộ tư chất thông minh, nhạy bén, sau khi thành niên lại càng có khí chất của kẻ tung hoành ngang dọc, ngông cuồng ("thấy nghìn năm như một chảo nước, hai vạn dặm cũng xuống bùn"). Dù tiếng tăm của Tào Tháo không tốt nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận tài năng của ông, ông xứng đáng được coi là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn và nhà thư pháp xuất sắc.
Nếu như vậy, Tào Tháo trừ việc danh tiếng không tốt thì các phương diện khác của ông đều không có gì để chê trách. Người hiểu về Tào Tháo đều biết rằng, Tào Tháo là người cực kỳ kiên nhẫn, hay nói cách khác Tào Tháo là người biết nhẫn nhịn.
Hình ảnh nhân vật Tào Tháo trên phim.
Nhưng, có một việc đã khiến ông không thể nhẫn được, ấy là khi có người gọi ông bằng tên lúc nhỏ là "A Man". Chuyện này cũng khiến Tào Tháo lúc nhỏ rất tự ti.
Nói đến cái tên "A Man" này của Tào Tháo, nguồn gốc của nó cũng có rất nhiều cách giải thích.
Cách giải thích thứ nhất là vì người xưa quan niệm, đặt tên con xấu thì dễ nuôi. Bấy giờ ở vùng Hào Châu, người dân địa phương còn quan niệm, đặt tên xấu không chỉ dễ nuôi mà sau này còn dễ làm nên việc lớn, có tiền đồ, cho nên có nhiều đứa trẻ phải đến 12 tuổi mới được đặt tên, hoặc là đặt một cái tên thật xấu để tránh bị Diêm Vương để ý, khiến đứa trẻ ấy chết yểu.
Vì thế khi còn bé Tào Tháo được gọi là "A Man", để mong ông có thể bình an khỏe mạnh lớn lên, cũng mong ông có được tiền đồ sáng lạn, làm rạng danh tổ tiên.
Cách giải thích thứ hai còn thú vị hơn nữa. Vào cuối thời Đông Hán, nhà họ Tào và nhà Hạ Hầu có quan hệ rất tốt với nhau, nhưng nhà họ Tào mãi vẫn chưa có con nối dòng còn nhà Hạ Hầu lại con cháu đề huề. Vì để nhà họ Tào có người nối dõi, nên nhà Hạ Hầu đã để một đứa trẻ trong họ sang làm con cho nhà họ Tào, người ấy chính là Tào Tung.
Sau này, Tào Tung sinh ra Tào Tháo, nhưng khi ấy nhà Hạ Hầu lại không sinh được con trai, nhà họ Tào lo sợ nhà Hạ Hầu sẽ đòi lại Tào Tháo, vì suy cho cùng Tào Tháo cũng có huyết thống với nhà Hạ Hầu, cho nên thường mang Tào Tháo giấu đi. Mỗi khi nhà Hạ Hầu hỏi đến chuyện này, nhà họ Tào luôn giả vờ ngây ngốc, giấu giếm cho qua, lâu dần, liền dứt khoát gọi Tào Tháo là "A Man" (nghĩa là giấu rồi).
Hình ảnh nhân vật Tào Tháo trên phim.
Cái tên "A Man" của Tào Tháo tuy có nhiều cách giải thích, nhưng cho dù là cách nào đi nữa, cái tên này cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến con đường tương lai của Tào Tháo sau này.
Tên họ là do cha mẹ đặt cho, nên dù Tào Tháo có không thích cái tên này thế nào đi nữa thì ông cũng chẳng thể sửa được. Huống hồ, người trong nhà cũng quen gọi thế từ nhỏ, lại cũng không có ác ý gì với ông, ngược lại còn vì muốn tốt cho ông, cho nên Tào Tháo cũng quen rồi chấp nhận nó.
Nhưng đến một độ tuổi nhất định, lúc Tào Tháo cùng bạn bè cùng trang lứa chơi đùa mới nhận ra rằng, cái tên này của mình vô cùng xấu hổ.
Mỗi khi Tào Tháo nghe cha mẹ người khác gọi con họ là "Đông à", "Cường à" hay "Chí à", trong lòng cũng nảy sinh mặc cảm tự ti, cho nên Tào Tháo sợ nhất là có người hỏi tên ở nhà của mình, bởi vì tên của ông là "Man" – một cái tên rất xấu.
Mỗi khi bạn bè hỏi tên ở nhà của ông, Tào Tháo lại không nói gì, vì cái tên xấu thế này quả là khiến cho Tào Tháo khó có thể mở miệng, đến mức mà khi bạn bè đoán bừa, còn đoán cả tên chó, tên mèo gì đó ra, khiến Tào Tháo rất khó chịu, bối rối.
Có một hôm, cha của Tào Tháo là Tào Tung gặp con trai trên đường, bèn gọi: "Man à, Man à!", Tào Tháo nghe được thấy rất bối rối, vội vàng nói: "Cha à, tên ở nhà của con là Cát Lợi mà, ở ngoài đường cha không được gọi con là Man nữa".
Tào Tháo luôn coi cái tên A Man là sự miệt thị, coi thường bản thân, nên ông không muốn để người khác biết. Hình ảnh nhân vật Tào Tháo trên phim.
Có thể thấy, Tào Tháo luôn coi cái tên này là sự miệt thị, coi thường bản thân, nên ông không muốn để người khác biết được, mà cảm giác tự ti này lại càng ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
Về sau, khi Tào Tháo "hiệp Thiên tử dĩ lệnh Chư hầu" (lợi dụng Thiên tử để bắt các Chư hầu phục tùng theo), trở thành bá chủ một phương, xung quanh ông cũng chẳng còn ai dám gọi Tào Tháo là "A Man" nữa.
Có lần công thần Hứa Du nói một câu rằng: "A Man, nhữ bất đắc ngã, an đắc nhập thử môn?" (có nghĩa là: "A Man, ngươi nếu không có ta, thì làm thế nào vào được đây?") đã phải trả giá bằng mạng sống của bản thân.
Cho dù người dưới trướng mình không nhắc đến cái tên này, nhưng kẻ thù hay thậm chí là người đời sau vẫn thường gọi Tào Tháo với cái tên "Tào A Man" để có thể sỉ nhục, hạ thấp ông.
Ai cũng biết, Tào Tháo trở thành điêu hùng kiệt xuất một thời, người khác không thể sánh ngang cùng, còn những kẻ gọi ông như vậy để chế nhạo cũng chỉ là những kẻ bị nhấn chìm, lu mờ dưới dòng chảy của lịch sử.
Thực ra, trong cuộc sống chúng ta cũng thường gặp những chuyện như vậy, khi tên mà cha mẹ đặt cho mình không hay, chúng ta thường phàn nàn, trách móc cha mẹ, không chỉ vì tên xấu khó nói cho người khác biết, mà còn sẽ vì tên xấu mà có cảm giác tự ti.
Vào lúc như thế, bạn hãy nhớ câu tục ngữ "tên xấu dễ nuôi, tên xấu dễ làm nên sự nghiệp!", Tào Tháo chính là ví dụ quá rõ ràng đó thôi! Hoặc bạn có thể về hỏi cha mẹ mình, biết đâu chừng cái tên của bạn còn có ý nghĩa sâu xa gì đó nữa đấy!
Tào Tháo (155 – 220), tự Mạnh Đức, tiểu tự A Man, là một nhà chính trị, nhà quân sự và là một nhà thơ nổi tiếng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Tào Tháo là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lữ Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương bắc nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn - Lưu , chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống.
Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho học ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ.
Ngoài làm chính trị, Tào Tháo còn là một nhà thơ nổi tiếng nên ông và hai con trai Tào Phi, Tào Thực được đời sau gọi là Tam Tào, cùng với nhóm Kiến An thất tử và nữ sĩ Thái Diễm hình thành nên trào lưu mới trong văn học thời Hán mạt, gọi chung là Kiến An phong cốt.