Sản phẩm mì ăn liền thanh long đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất từ công nghệ Nano giúp hỗ trợ khả năng phân tán thịt quả thanh long trong khối bột, giữ màu sắc của sản phẩm và hạn chế suy giảm những hoạt chất sinh học trong trái thanh long, từ đó duy trì tối đa các thành phần có lợi của trái thanh long trong sản phẩm mì ăn liền.
Với lô hàng xuất khẩu này, công ty Caty Food tự tin chinh phục khẩu vị khó tính của người tiêu dùng Trung Quốc - thị trường tiêu thụ khó tính bậc nhất thế giới.
Ảnh: catyfood
Sau khi được Công ty TNHH Thanh Long Bình Thuận hoàn tất và công bố trên thị trường vào đầu năm ngoái, các sản phẩm mì ăn liền thanh long công nghệ Nano có chiên và không chiên đã được Công ty TNHH Caty Food mua độc quyền, tiếp tục chế biến sâu nhằm đưa ra tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.
Hiện, mì ăn liền thương hiệu Caty và VinaCaty có thành phần trái cây thanh long, công nghệ Nano được phân phối ra thị trường với nhiều dòng sản phẩm như: Hải sản chua cay; tôm và thịt gà; thịt heo và nấm; mì chay rau nấm; mì ly và mì trộn spaghetti.
Tháng 7/2023, công ty TNHH Caty Food với thương hiệu mì ăn liền trái cây thanh long Caty và Mì ăn liền trái cây thanh long VinaCaty cho biết đã mạnh dạn đầu tư và tiến sâu vào thị trường Hoa Kỳ.
Bà Phan Thị Na - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Caty Food - Ảnh: catyfood
Chia sẻ về điều này, bà Phan Thị Na - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Caty Food cho biết: "Với những sản phẩm có đủ điều kiện để vào thị trường khó tính này thì đầu tiên doanh nghiệp phải có quy trình sản xuất rõ ràng, nguồn nguyên liệu chuẩn và phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn theo chuẩn quy định nghiêm ngặt của FDA…
Gửi mẫu mã đăng ký kiểm nghiệm ở nước sở tại và điều cực kỳ quan trọng là bản thân doanh nghiệp phải tự tin về sản phẩm của mình, như thế mới đủ tâm thế, đủ sức thuyết phục khi bước ra thị trường nước ngoài, nhất là đối với những thị trường khó tính như Hoa Kỳ và châu Âu".
Cũng theo thông tin từ đại diện công ty Caty Food, lô hàng mẫu đầu tiên (mì thanh long đỏ) đã xuất đi Hoa Kỳ của Caty Food là vào tháng 6/2023 và nhận được các hưởng ứng tích cực đầy thiện cảm của người tiêu dùng.
Theo đó, cùng với việc thay đổi mẫu mã dự kiến sẽ xuất lô hàng thứ 2 với khối lượng là 2 container 40 feet. Sau khi hoàn tất thủ tục thay đổi mẫu mã, sản phẩm mì ăn liền với thành phần trái cây thanh long thương hiệu Caty và VinaCaty sẽ được xuất đi liên tục vào thị trường này.
Là đối tác của Caty Food tại Mỹ, ông Phillip Huy - Tổng Giám đốc Công ty CP Khỏe Đẹp 365 (Hoa Kỳ) cũng kỳ vọng: “Khắp nước Mỹ hiện có hơn 60.000 siêu thị và hơn 150.000 cửa hàng tiện lợi. Tôi tự tin rằng, trong 2 năm Mì thanh long Caty sẽ được bán trong hơn 2.000 siêu thị và 2.000 cửa hàng tiện ích khắp nước Mỹ và tạo ra doanh thu nhiều triệu đô giúp bà con nông dân trồng thanh long có nơi tiêu thụ thanh long ổn định và nhờ đó có thu nhập ổn định và tạo thêm nhiều việc làm cho mọi người”.
Công ty TNHH Caty Food được thành lập vào ngày 5/9/2014, địa chỉ trụ sở chính tại 104 Chu Văn An, P26, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Người đại diện kiêm Tổng giám đốc công ty là bà Phan Thị Na. Theo thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất ngày19/1/2023, bà Na là thành viên góp vốn chính của công ty với tỷ lệ góp vốn lên tới 99%, tương đương 19,8 tỷ đồng.
Trước đó, bà Na chiếm 10% vốn điều lệ của công ty và cựu Tổng giám đốc Lê Quang Huy chiếm 90% vốn điều lệ. Ông Huy đã chuyển nhượng lại vốn góp cho bà Na đồng thời không còn giữ vị trí CEO của công ty.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Caty Food Lê Quang Huy công bố 5 dòng sản phẩm mì ăn liền. Nguồn: moitruongvadothi
Trước đó, thời điểm ra mắt sản phẩm mì ăn liền thanh long thương hiệu Caty tại Trung tâm Báo chí TP.HCM vào tháng 01/2023, ông Lê Quang Huy khi này còn là CEO của Caty Food đã phát biểu trước truyền thông về sản phẩm đặc biệt này:
“Mì ăn liền từ xưa đến nay chưa có sự kết hợp giữa mì ăn liền và trái cây. Củ thì có, rau thì có nhưng trái cây thì chưa có. Tôi cũng muốn nghiên cứu một sản phẩm cho trái thanh long chế biến sâu, tức là nâng cao giá trị của trái thanh long trên thị trường nội địa cũng như là thị trường nước ngoài.
Việc xuất khẩu trái thanh long tươi rất khó khăn trong vấn đề bảo quản cho nên chúng tôi khát khao mong muốn đưa trái cây thanh long vào mì ăn liền, vừa phục vụ cho nội địa, nhân dân, bà con trong tiêu dùng thiết yếu, vừa khát khao đưa được hình ảnh trái cây thanh long vươn ra tầm xa mới trên toàn thế giới”.