Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 45% còn 1 tỷ đồng; chi phí tài chính ghi nhận hơn 8 tỷ đồng toàn bộ đến từ chi phí lãi vay, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Ngược chiều, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại gia tăng lần lượt 39% và 21% ghi nhận giá trị tương ứng là 48 tỷ và 12 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác của công ty gần như không đổi so với cùng kỳ, mang lại hơn 4 tỷ đồng.
Kết quả, Đường sắt Hà Nội báo lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6 tỷ đồng, giảm sâu tới 76% so với khoản lãi 25 tỷ đồng thực hiện cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HRT đạt 1.489 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với thực hiện cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 40 tỷ đồng, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối quý 2/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp này 1.395 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với đầu năm; trong đó khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ghi nhận 327 tỷ đồng chiếm hơn 23% tổng tài sản. Nợ vay tài chính ở mức 436 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn lên tới 372 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận gần 475 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với đầu năm. Khoản lỗ lũy kế tính đến hết quý 2 còn xấp xỉ 329 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 sụt giảm mạnh so với quý 2/2023 do tăng phí điều hành giao thông vận tải. Cụ thể, việc tăng chi phí điều hành giao thông vận tải là do đơn giá nhiên liệu mua vào phục vụ cho sức kéo tăng gần 11%. Cụ thể, đơn giá nhiên liệu quý 2/2023 là 16.900 đồng/lít so với quý 2/2024 là 18.600 đồng/lít).
Trên thị trường, sau quãng thời gian gấp đôi "chóng vánh" trong 3 tuần giao dịch từ vùng 8.000 đồng/cp tuần cuối tháng 6 phi lên đỉnh lịch sử 16.300 đồng/cp vào phiên 12/7, cổ phiếu HRT quay đầu điều chỉnh khá mạnh gần đây. Thị giá hiện dừng ở mức 12.900 đồng/cp (-6,52%) phiên sáng 23/7, qua đó chứng kiến mức giám mạnh hơn 20% chỉ sau 7 phiên giao dịch.
Theo tìm hiểu, Vận tải đường sắt Hà Nội là Công ty hoạt động theo mô hình CTCP do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nắm cổ phần chi phối. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là tổ chức vận tải hàng hoá, hành khách, hành lý bao gửi trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam; kinh doanh vận tải đa phương thức (Logistic) liên vận quốc tế và trong nước; sửa chữa, bảo dưỡng các phương tiện thiết bị, phụ tùng toa xe, cùng một số lĩnh vực kinh doanh hỗ trợ vận tải khác.
Hiện, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang sở hữu 91,62% vốn cổ phần; 8,38% vốn còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.