Những người thao thức giữa đêm khuya
Màn đêm buông xuống, sương rơi dày hơn, ánh đèn từ những ngôi nhà, cửa hiệu tắt dần. Có lẽ, giấc say nồng đã bao trùm lên rất nhiều người, họ quấn mình trong chiếc chăn ấm áp, rũ bỏ hết mệt mỏi sau một ngày dài.
Nhưng, ở một nơi khác của thủ đô, có những con người đang quằn quại, mê man với nỗi đau thể xác, họ chiến đấu cho sự tồn tại.
Cùng với họ là các "chiến binh" miệt mài với sứ mệnh giành lại sự sống, giành lại sức khỏe cho bệnh nhân từ tay của "tử thần" và những "con quỷ" bệnh tật.
21h30, bước qua cánh cổng Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi thấy một hàng xe trải dài lối vào Khoa Cấp cứu A9, tiếng còi réo lên hối hả từ chiếc xe cứu thương khiến tôi rùng mình. Chiếc xe đó chở sinh mệnh của biết bao con người.
Dừng chân trước cửa khoa cấp cứu, chúng tôi bắt gặp một cô gái trẻ, cô ngồi thấp thỏm trên chiếc ghế dài, nét mặt hoảng hốt, tay cầm điện thoại gọi hết cuộc này tới cuộc khác.
Hỏi ra mới biết, cô tên H.T.T. có bác gái người Thanh Hóa, vừa chuyển từ phòng cấp cứu 1 sang phòng cấp cứu dành cho bệnh nhân nguy kịch.
T. không giấu nổi sự bàng hoàng, lo lắng, giọng như sắp khóc: “Bác em làm ruộng ở quê, mấy hôm trước đi hái rau, đúng hôm trời giông, đường trơn trượt, bác bị ngã đập đầu xuống đất.
Cứ ngỡ không sao, bác vẫn đứng dậy mang rau ra chợ bán, nào ngờ vài hôm sau bác thấy đau đầu, rồi ngất đi. Gia đình vội vàng đưa bác đi cấp cứu. Bác sĩ nói rằng bác ấy bị xuất huyết não quá nhiều, liệt nửa người.
Cái tin ấy như sét đánh ngang tai, tình hình bệnh khá nghiêm trọng, chưa biết có cứu được không?”.
Kết thúc cuộc trò chuyện với T., nhưng ghế chờ trước khoa cấp cứu bắt đầu đông nghịt người.
Nhiều người nhà bệnh nhân nằm co quắp trên những hàng ghế đá, thậm chí là bồn cây, mặc sương gió, lấy cánh tay làm gối, mép ghế làm giường, tranh thủ chợp mắt chốc lát.
Có người cứ thao thức, trở mình liên tục với những nỗi lo canh cánh trong lòng.
Nơi giành giật mạng người, giữa lằn ranh sống chết
Sau khi xin phép lãnh đạo Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai và các y bác sĩ trực đêm đó, chúng tôi được đặc cách vào bên trong, nơi cuộc chiến giành giật mạng người giữa lằn ranh sống chết đang diễn ra từng giây, từng phút.
Vừa bước vào hành lang, mùi sát trùng bốc lên, không khí lạnh toát khiến chúng tôi dựng tóc gáy, nhiều thứ âm thanh hòa trộn cũng nhau tạo nên sự căng thẳng vô hình.
Tôi lắng nghe và đoán đó là máy đo huyết áp, máy đo nhịp tim, máy monito, đặc trưng nhất là những tiếng rên trong cơn đau đớn của bệnh nhân và những tiếng bước chân gấp gáp của y bác sĩ.
Men theo hành lang khoa Cấp cứu, chúng tôi vào phòng cấp cứu 1. Căn phòng có gần 20 giường bệnh đã kín chỗ. Người cao tuổi nhất tại đó là cụ già hơn 80, người trẻ nhất là 1 cô bé học sinh được đưa vào nhập viện trong đêm.
Chúng tôi đi theo một chàng trai chạy chân trần, đang gồng mình bế một cô gái nằm lên cáng rồi đẩy đi. Cô gái tên Quỳnh, khoảng 25 tuổi đang vật vã trong đau đớn, khó thở.
Sự sợ hãi khiến cô bật khóc nức nở, những nhịp thở trở nên đứt quãng, kéo dốc từng cơn... Sau vài lần gắng sức, cô ngất lịm đi, phải hỗ trợ thở bằng bình oxi.
Đây là lần đầu tiên Quỳnh bị như vậy khiến cả nhà cô được một phen hú vía, không ai dám rời mắt khỏi giường bệnh. Anh trai cô gái tay chân run rẩy, cố nán lại hỏi tình hình nhờ các bác sĩ quan tâm hơn tới cô.
Khi chúng tôi đứng vào một góc gần đó, anh còn nhờ chúng tôi để ý, nếu có vấn đề gì thì gọi ngay cho anh và bác sĩ giúp anh. Rất may, các bác sĩ đã cứu Quỳnh qua cơn nguy kịch.
Ca cấp cứu ngay sau đó là một cậu bé 18 tuổi, nhưng thoạt nhìn ai cũng nghĩ cậu mới chỉ học cấp 2 vì thân hình gầy còm, nhỏ bé.
Cậu bị tim bẩm sinh, từ khi sinh ra mang theo nỗi đau thể xác, những cơn khó thở, đau đớn đã sống cùng với cậu trong 18 năm trên cuộc đời. Thăm khám xong, bác sĩ cho cậu chuyển gấp sang Khoa Tim mạch.
1h30, rời phòng cấp cứu 1, chúng tôi đi sâu hơn tới phòng cấp cứu 3 và 4, đây là phòng điều trị cho nhưng bệnh nhân nguy kịch, tình trạng rất nặng. Cảm giác của chúng tôi như đang bước gần hơn với "cửa tử" và lằn ranh sống chết.
Hàng loạt những tiếng “tít... tít...” vang lên trong không gian tĩnh lặng.
Vừa bước vào trong, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi một bác sĩ, khuôn mặt chăm chú, đang dồn hết sức mình ép tim lồng ngực cho một ông cụ ngoài 70 tuổi. 1 nhịp, 2 nhịp, 3 nhịp... tôi đếm từ nhịp một và cũng ngừng thở theo từng cái ấn xuống của bác sĩ.
Rồi đột nhiên bác sĩ dừng lại, những dòng tín hiệu ngoằn nghoèo xuất hiện trên máy, tôi thì thở hắt ra.
Lậy trời cụ ông vừa được một "thiên thần áo trắng" giật về từ bàn tay của tử thần. Chưa khi nào tôi cảm thấy nhẹ nhõm như thế, chính lúc đó, dường như cả ngàn tấn đang đè nặng trong ngực tôi được giải thoát.
Lại lần nữa ngang qua phòng cấp cứu 1, chúng tôi chợt khựng lại, "tử thần" đang gọi tên ai đó trong căn phòng lạnh lẽo kia. Người vợ trẻ khóc nấc nghẹn ngào nhìn người chồng bất tỉnh, nằm thoi thóp thở oxi, di chuyển về nhà, chờ chết.
Một cảm xúc khó tả bao trùm lên không gian, những giọt lệ tuôn rơi, sự tiếc nuối đầy bất lực đè lên người bác sĩ khi họ đã cố gắng hết sức và không thể can thiệp thêm được nữa.
Người đàn ông xấu số đêm đó là anh Đào Đức Tiến. Bác sĩ Vũ Việt Sơn, khoa Cấp cứu A9 cho biết: “Bệnh nhân có tiền sử xơ gan, viêm gan C, đã 2 lần nhập viện.
Lần này tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng hơn 2 lần trước, triệu chứng xuất huyết não đã xuất hiện.
Trong 3 tiếng đồng hồ cấp cứu, gia đình bệnh nhân có yêu cầu phẫu thuật nhưng sức khỏe bệnh nhân quá yếu không thể chịu được, bệnh viện không thể can thiệp được nữa nên gia đình xin về”.
Chứng kiến cảnh đau lòng đó, em gái của một bệnh nhân khác cùng phòng bệnh không khỏi xúc động, nói bâng quơ: “Đời người là bể khổ, sinh – lão – bệnh – tử chẳng biết đường nào mà lần”.
Cô tên Th., chị gái cô tên Công, năm nay 61 tuổi, là bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện Thận Hà Nội lên, sau 4 năm đấu tranh với bệnh suy thận.
Trên cơ thể xanh xao, vàng vọt của người phụ nữ là hàng chục vết bầm tím trên hai cánh tay do mũi kim truyền để lại. Đôi lúc cô lại oằn lên vì đau đớn.
Đến nay, bác sĩ cho biết chị gái cô Th. vừa suy thận, vừa suy tim, sức khỏe mong manh, sống nay chết mai không lường trước được.
Những chiến sĩ chiến đấu âm thầm
3h20, sau sau gần 1 đêm thức trắng trong phòng bệnh, dù không làm gì, chỉ theo dõi và quan sát chúng tôi đã cảm thấy mệt nhoài.
Nhưng, những người bác sĩ trực đêm đó vẫn miệt mài chạy đi chạy lại từ giường bệnh nọ sang giường bệnh kia. Đôi chân của họ vẫn thoăn thoắt, gấp gáp như giây phút đầu chúng tôi bước chân tới đây.
Thời khắc mà người người đã yên giấc, họ những người bình thường bỗng "biến hình" trở thành những chiến binh, chiến đấu mệt mài với bệnh tật, với thần chết giành giật các sinh mệnh trở về.
Khi chưa bước chân vào viện, chúng tôi vẫn thường xét nét, thường đánh giá và đặt những trách nhiệm nặng nề lên vai các y bác sĩ. Còn người trong nghề Y thường nói với nhau, là bác sĩ phải luôn giữ cái đầu lạnh và trái tim nóng.
Rốt cuộc, chúng tôi cũng chứng kiến và cảm nhận được câu nói ấy. Họ - những y bác sĩ quên đi giấc ngủ để luôn giữ sự tỉnh táo, bình tĩnh chẩn đoán và đưa ra pháp đồ điều trị chính xác.
Họ bỏ qua mọi khó khăn vất vả, đôi chân cứ thoăn thoắt, đôi tay không ngơi nghỉ giây phút nào. Khuôn mặt họ lạnh băng, không cười nói, nhưng trái tim và đôi mắt luôn nóng rực và chỉ hướng tới một nhiệm vụ duy nhất - cứu người.
3h30 phút sáng, trong một khoảnh khắc được ngơi nghỉ, bác sĩ Sơn thấy chúng tôi vẫn quanh quẩn ở phòng bệnh mà chưa rời đi bèn gọi chúng tôi là “những người cùng khổ”.
Nhưng quả thực, chúng tôi thấy ngượng, so với họ, một đêm trắng của chúng tôi có là gì, những anh hùng kia đã tích lũy biết bao nhiêu đêm trắng trong cuộc đời, có lẽ cũng không đếm xuể.
Chia sẻ với phóng viên, một bác sĩ nội trú trẻ cười nói: “Một tuần tôi có ba ca trực đêm như vậy, chưa kể mỗi khi có cấp cứu gấp, đồng nghiệp gọi điện thoại thì lại vội vàng lao khỏi giường tới bệnh viện.
Tôi đi làm chính thức 5 năm rồi, làm nghề Y không sướng như mọi người nghĩ đâu. Xác định theo nghề là phải đánh đổi cả thanh xuân đấy”.
Cuộc nói chuyện chớp nhoáng với phóng viên bị dừng lại giữa chừng khi tiếng còi xe cấp cứu réo lên. Khi chiếc xe cứu thương dừng giữa sảnh khoa cấp cứu, anh bác sĩ vội vàng đẩy chiếc cáng duy nhất còn lại, tiếp nhận bệnh nhân và bắt đầu guồng quay quen thuộc.
Thoáng chốc đã gần 4h sáng, ngoài sảnh khoa đã hết nhẵn cáng đẩy bệnh nhân. Chúng tôi ra ngoài ngồi nghỉ một chút thì nghe được tin, mẹ con một sản phụ mới sinh được chuyển tới cấp cứu trong cơn nguy kịch.
Chị được tiếp nhận ngay vào viện và chuyển thẳng vào phòng cấp cứu 3, nhưng chị không qua khỏi và được đưa về nhà. Chúng tôi muốn hỏi thêm về chị, nhưng bệnh viện cũng có nguyên tắc bảo mật riêng, chỉ biết rằng em bé đã an toàn.
Thật không thể tin được! Ngày mà một sinh linh bé bỏng được ra đời, cũng là ngày người mẹ sinh ra em ra đi mãi mãi.
Hai mẹ con còn chưa được gặp mặt nhau thì họ đã ở hai thế giới tách biệt. Ranh giới giữa sự sống và cái chết gần và chua xót quá!
Gần 5h sáng, mắt trời bắt đầu nhú rạng, ca trực đêm của các bác sĩ chuẩn bị kết thúc, nhưng phòng cấp cứu vẫn nườm nượp người vào ra. Cả khoa lấp kín bởi giường bệnh, những dãy giường nối dài, chẳng chừa đến một chỗ.
Bác sĩ, y tá ai cũng bận rộn, trên tay cầm bệnh án, phiếu xét nghiệm, kết quả chụp X-quang của bệnh nhân, chuẩn bị giao ca.