Hiện tại, sân bay Chu Lai chỉ có tần suất khoảng 34 chuyến/tuần, khai thác đường bay Chu Lai-Hà Nội và Chu Lai-Tp.HCM, từ 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific.
Năm 2015, cảng hàng không này đạt trên 154 nghìn lượt khách tăng trưởng tới trên 284% so với 2014.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của hành khách, cũng như tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội vùng Quảng Nam-Quảng Ngãi, sân bày Chu Lai đang được tính toán để mở rộng, nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế.
Dự án mở rộng và nâng cấp sân bay Chu Lai được quy hoạch có thể trở thành một cảng hàng không quốc tế đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn của ICAO.
Dự kiến đến năm 2020 có thể đạt công suất 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2025, sân bay này phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa với công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm và 4,1 triệu lượt khách/năm.
Quy mô sân bay Chu Lai dự kiến có diện tích khoảng 2.200ha, phần lớn ở địa phận tỉnh Quảng Nam nhưng phục vụ chính cho hành khách của tỉnh Quảng Ngãi.
Đầu 2016, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương để Tập đoàn Thiên Tân (Quảng Ngãi) làm chủ đầu tư, với số vốn dự kiến khoảng 1 tỷ USD.
Theo Thiên Tân, dự án này dự kiến sẽ được mở rộng thêm về phía Nam khoảng 1500ha.
Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Thiên Tân gần đây cũng đã tiết lộ với báo chí về đối tác chiến lược hợp tác với Thiên Tân là tập đoàn JK & D International, Ltd của Mỹ.
Theo Báo Giao thông Vận tải, ngày 9/6 Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về việc xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến dự án mở rộng sân bay Chu Lai. Đồng thời, Bộ trưởng cũng thống nhất và ủng hộ chủ trương xã hội hóa, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án cảng hàng không Chu Lai.
Hiện tại, Tập đoàn Thiên Tân đang lập dự án đầu tư để trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản thống nhất chủ trương triển khai.
Được biết, Thiên Tân Group là một tập đoàn kinh tế tư nhân do ông Huỳnh Kim Lập sáng lập nên dưới hình thức công ty TNHH vào năm 2000.
Tuy nhiên, đến năm 2004 thì công ty đổi thành Công ty CP với số vốn điều lệ ít ỏi chỉ 2,5 tỷ đồng.
Đến nay sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, Thiên Tân Group đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn, chuyên về đầu tư xây dựng công trình giao thông, dân dụng, công nghiệp, thủy điện và bất động sản.
Đến nay vốn điều lệ của Thiên Tân đã lên con số 1.500 tỷ đồng.
Nhiều dự án hạ tầng lớn đã được giao cho đơn vị này triển khai thực hiện như Nhà máy thủy điện Hà Nang (mức đầu tư: 350 tỉ), Dự án Tuyến tránh Quốc lộ 1A (mức đầu tư: 650 tỉ), dự án điện mặt trời ở Quảng Ngãi 1.000 tỷ…
Bên cạnh đó, Thiên Tân Group cũng đã đầu tư vào nhiều dự án BĐS như Khu Biệt thự và Khu dân cư Thiên Tân – Dung Quất – Quảng Ngãi (mức đầu tư: 200 tỉ), và gần đây công ty này đang xúc tiến để đầu tư dự án công viên và khu đô thị sinh thái Thiên Tân 249ha tại Quảng Ngãi.