Một cuộc giằng co với “tử thần”

Nguyễn Cảnh |

"Cố lên, mạch vẫn còn, mạch vẫn còn, tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực, nhanh lên, đặt lại ống nội khí quản…", bác sĩ Đinh Hương Quỳnh - khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh - Trưởng tua trực khoa Hồi sức tích cực ICU - 1A Bệnh viện Hồi sức COVID -19 liên tục ra y lệnh với các đồng nghiệp.

Ngay lập tức, những bước chân khẩn trương chạy đến. Các y cụ nhanh chóng được từng thành viên trong ekip sử dụng... Bác sĩ Quỳnh sử dụng ống hút đờm khai thông đường hô hấp và đặt lại nội khí quản cho bệnh nhân đang khó thở…

Bệnh nhân T.A.M (66 tuổi) thể trạng béo phì, thở máy 100%, lượng oxy trong máu đột ngột giảm buộc ekip của bác sĩ Quỳnh phải rút nội khí quản ra và đặt lại cho bệnh nhân, tránh tình trạng oxy trong máu quá thấp, bệnh nhân sẽ ngưng tim.

Trước đó khoảng 10 phút, bệnh nhân L.T.P (80 tuổi) cũng rơi vào tình trạng nguy kịch do đột ngột ngưng tim. Cả ekip cũng nhanh chóng nhồi tim cho bệnh nhân. Trong gần 30 phút, khi màn hình thể hiện nhịp tim của bệnh nhân đã đập trở lại, bác sĩ Hương cùng mọi người đang sắp xếp lại y cụ thì điều dưỡng báo bệnh nhân A cần được cấp cứu.

Lách người qua các đồng nghiệp đang chăm sóc cho bệnh nhân khác, bác sĩ Quỳnh lập tức chạy đến giường bệnh để cấp cứu cho bệnh nhân L.T.P. Sau gần 20 phút giằng co với "tử thần", nghe tiếng đồng nghiệp nói "ổn rồi chị", bác sĩ Quỳnh hiểu rằng bệnh nhân P đã qua được cơn nguy kịch.

Chị thoăn thoắt, nhanh nhẹn, di chuyển liên tục đến từng giường bệnh kiểm tra tình trạng của bệnh nhân. Các y, bác sĩ và điều dưỡng ở đây đều luôn tất bật, vội vã như thế. Có lẽ nhờ vậy mà đêm không còn dài đằng đẵng.

Một cuộc giằng co với “tử thần” - Ảnh 1.

Bác sĩ Đinh Hương Quỳnh cùng các y, bác sĩ giằng co với "tử thần" để cứu bệnh nhân COVID-19 nặng.

Bệnh nhân N.N.B.C (SN 1992, ngụ TP Hồ Chí Minh) nghe loáng thoáng giọng một người đàn ông khi lần đầu mở được mắt sau hơn 20 ngày hôn mê. Sau này khi tỉnh lại, B.C mới biết đó là y lệnh ngắn gọn của bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy - Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nói với ekip của mình.

Hai tuần sau, khi các trang thiết bị máy móc hỗ trợ giúp chị sinh tồn được tháo ra hết, PCR của mình 2 lần đều âm tính và chị sẽ được xuất viện, chị vẫn không tin. Không chỉ riêng bệnh nhân B.C mà chính các bác sĩ tham gia trong ekip điều trị cũng ngỡ ngàng trước sự hồi phục ngoạn mục của bệnh nhân.

Trước đó, ngày 23/7, bệnh nhân B.C được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Hồi sức COVID-19 trong tình trạng ngừng hô hấp, trụy tim mạch. Ngay khi nhận được báo động đỏ, ekip Hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy tại khoa ICU2A do BSCK2 Trần Thanh Linh phụ trách đã lập tức có mặt để tiến hành xử lý khẩn cho người phụ nữ 29 tuổi nhiễm COVID-19 nặng. Sau đó, bệnh nhân B.C được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực ICU2A để tiến hành đặt ECMO.

"Đây là phương án cuối cùng để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Thế nhưng, khả năng thành công là bao nhiêu phần trăm thì chúng tôi cũng không dám nói trước vì bệnh nhân bị tổn tương phổi nặng, suy gan, thận, truỵ tim. Hơn nữa, bệnh nhân có cân nặng hơn 110kg. Béo phì là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất khi mắc COVID-19. Thôi thì cố gắng hết sức để bệnh nhân có thêm một cơ hội. Sau 3 giờ, ekip của chúng tôi đã hoàn thành việc đặt ECMO cho bệnh nhân B.C", BS Trần Thanh Linh chia sẻ.

Ngay sau đó, phổi của bệnh nhân bắt đầu xuất huyết, cơ thể bắt đầu bị nhiễm trùng nặng. Ekip điều trị liên tục thực hiện các phác đồ sử dụng kháng sinh, kháng nấm, chống đông máu... Sau hơn 20 ngày duy trì sự sống nhờ hệ thống ECMO, sự theo dõi sát sao của đội ngũ nhân viên y tế, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân B.C đã xuất hiện. Ngày 12/8, ekip điều trị đã quyết định cai ECMO cho bệnh nhân.

Hai ngày sau, tình trạng nhiễm trùng cũng được cải thiện, bệnh nhân được rút máy thở, chỉ còn thở oxy dòng cao HFNC. Ngày 19/8, tình trạng cải thiện, bệnh nhân B.C được chuyển lên khoa Sub - ICU 7A và thở oxy mask với lưu lượng 13 lít/phút, tập vật lý trị liệu và chờ ngày bình phục hoàn toàn.

Trong thời gian này, mỗi ngày đều có 4 nhân viên y tế luân phiên hỗ trợ vỗ rung, xoay trở cơ thể cho bệnh nhân B.C để tránh cơ thể bệnh nhân bị lở loét. "Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là phải giúp B.C phục hồi chức năng phổi, động viên và hướng dẫn tự thở, cai oxy càng sớm càng tốt", BS bác sĩ Phạm Minh Huy - khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - Trưởng khoa Sub-ICU 7A cho biết.

Ngày 11/9, bệnh nhân B.C xuất viện, BS Linh đến động viên: "Sự bình phục của em là món quà tinh thần dành cho chúng tôi. Vì vậy, hãy cố gắng tập luyện để trở lại cuộc sống bình thường mới nhé".

Cười thật tươi trước những dặn dò của các y, bác sĩ, ánh mắt bệnh nhân B.C đầy hy vọng, bởi vì "không phải ai cũng có cơ hội như em". Với những người thầy thuốc, họ cũng không mong gì hơn thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại