Kênh đào nổi tiếng được xây dựng cách đây khoảng 200 năm trước là Vĩnh Tế. Đây là một kênh đào chảy qua địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo ghi chép trong lịch sử, kênh đào Vĩnh Tế được xây dựng vào thời nhà Nguyễn, dưới thời trị vì của vua Minh Mạng. Kênh đào Vĩnh Tế dài khoảng 87 km, rộng 30 m. Công trình này mất 5 năm đào tay, với sự tham gia của hơn 80.000 nhân công.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận định, kênh Vĩnh Tế là kênh đào nổi tiếng và đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, giao thông, đồng thời là một chiến tuyến phòng thủ cho bờ cõi của nước Việt trong vùng xung yếu. Việt Nam chưa có kênh đào nào có đầy đủ trọng trách như thế…
Nếu trước Công nguyên, triều đại nhà Tần xây Vạn Lý Trường thành để ngăn chặn người Hung Nô tại phương Bắc Trung Quốc, thì đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đào kênh Vĩnh Tế nhằm giữ biên giới Tây Nam cho người Việt định cư phát triển kinh tế vùng Châu Đốc - Hà Tiên. Tính đến nay, Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc chỉ còn là di tích lịch sử, nhưng kênh Vĩnh Tế của Việt Nam thì như nhận định của vua Minh Mạng là "lợi ích muôn năm vô cùng về sau".
Theo sách "Thạch Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang", nhà văn Nguyễn Văn Hầu cho biết, vị quan trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại (hay Thoại Ngọc Hầu) chính là người trực tiếp chỉ huy việc đào kênh Vĩnh Tế.
Kênh Vĩnh Tế được đào qua 3 đợt trong 5 năm, từ tháng chạp năm 1819 đến tháng 5/1824. Kênh có độ sâu trung bình là khoảng 2,55 m. Ngoại trừ những đoạn sông rạch sẵn có, đoạn kênh phải đào mới là 37 km. Để phóng tiêu đào kênh được thẳng, quan chỉ huy cho người tiến hành rẽ sậy, đốt đuốc ở trên đầu những cây sào cao rồi theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều chỉnh những cây sào này sao cho thật thẳng hàng, người cắm tiêu cầm một cây rọi to và đứng trên cao phất qua phất lại nhằm ra hiệu cho người cầm sào tìm được đúng vị trí.
Với giá trị lớn về kinh tế cũng như vai trò chiến lược về mặt quốc phòng, đến năm 1835, tức năm Minh Mạng thứ 16, vua Minh Mạng cho chạm hình tượng của kênh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh, một đỉnh đồng lớn nhất trong Cửu đỉnh, để thờ vua Gia Long đặt trước sân Thế miếu ở Huế. Bà Châu Thị Tế, vợ của ông thoại Ngọc Hầu, vì có công lao giúp chồng đào kênh, nên được vua đặt tên cho kênh.
Gần đây nhất, ngày 28/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem "Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024)".
Kênh đào Vĩnh Tế có vai trò gì trong 200 năm qua?
Có thể nói là hiếm có công trình thủy nông nào vẫn giữ được nhiều giá trị và vai trò lớn như kênh Vĩnh Tế. Theo các chuyên gia, kênh đào này được ví như một hào nước khổng lồ giúp bảo vệ biên giới quốc gia ở phía Tây Nam. Dưới thời vua Minh Mạng của nhà Nguyễn, công trình này góp phần làm chùn bước quân Xiêm La sang đánh chiếm.
Theo báo CAND, trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (từ năm 1975 – 1979), kênh Vĩnh Tế đã trở thành một hệ thống phòng thủ quân sự quan trọng, giúp ngăn chặn và đẩy lùi toàn bộ cánh quân của địch về bên kia biên giới. Chính vì vậy, vai trò của kênh vĩnh Tế trong lĩnh vực quốc phòng là đặc biệt quan trọng.
Về mặt kinh tế, cho đến tận ngày nay, kênh Vĩnh Tế vẫn còn giữ nhiệm vụ tưới cho khoảng 144.000 ha đất nông nghiệp ở An Giang. Bên cạnh đó, kênh đào này còn là một trong những nơi đầu tiên đón lượng lũ lớn tràn về từ sông Mekong. Việc này góp phần đưa nguồn lợi về thủy sản dồi dào cá tôm phục vụ cho đời sống của người dân địa phương.
Là một người con ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, GS Võ Tòng Xuân, một trong những người tiên phong về nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam, ngay từ nhỏ đã cảm nhận được giá trị mà công trình này mang lại.
Ông nhận định rằng, kênh Vĩnh Tế là công trình không chỉ mang nước ngọt kèm phù sa vun đắp cho ruộng đồng An Giang mà còn cho cả vùng tứ giác Long Xuyên cũng như toàn bộ diện tích tiếp giáp Campuchia. Nhờ vậy, nhiều địa phương mở rộng dần diện tích trồng lúa. Trên thực tế, khi chưa có đường bộ, các thương lái muốn vào tận vùng sâu, vùng xa thu mua nông sản thì đều phải qua kênh Vĩnh Tế.
Bên cạnh vai trò chiến lược về quốc phòng, kênh Vĩnh Tế còn được coi là tuyến đường thủy huyết mạch giao thương hàng hóa từ TP Châu Đốc đến TP Hà Tiên, đồng thời giúp hàng hóa từ nước ngoài cũng thuận tiện vào Việt Nam.
Theo GS Võ Tòng Xuân, yếu tố tiên quyết để giúp một quốc gia phát triển là giao thông thuận lợi. Điều này cho thấy về tầm nhìn chiến lược của bậc tiền nhân hàng trăm năm trước khi đào kênh Vĩnh Tế.
Chia sẻ với báo Thanh niên, GS Võ Tòng Xuân nhận định rằng: "Có kênh Vĩnh Tế, ĐBSCL khỏi lo thiếu gạo ăn. Vì phía sông Hậu, kênh Vĩnh Tế dẫn nước ngọt từ Châu Đốc xuống tận Hà Tiên. Còn phía sông Tiền, kênh Trung Ương dẫn nước ngọt từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười đến Long An. Từ 2 trục nước này, hệ thống kênh thủy lợi đan xen gần như kiện toàn, tạo nên vựa lúa Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên, là vùng sản xuất lúa lớn nhất miền Tây".
Bài tham khảo nhiều nguồn