Một con chim hạ gục chiếc máy bay được thiết kế để chống cuộc tấn công hạt nhân

Minh Hương |

Một chiếc máy bay "Doomsday" (tạm dịch: "ngày tận thế") của Hải quân Hoa Kỳ, phương tiện dùng để chống một cuộc tấn công hạt nhân, gần đây đã gặp đối thủ: một con chim.


Cuộc tấn công do chim gây ra đã hạ gục một trong bốn động cơ của máy bay và Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố đây là "tai nạn loại A" - nghĩa là tai nạn gây ra một trong số các hậu quả: thiệt hại hơn 2 triệu đô la, tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn, theo tờ Navy Times đưa tin.

Vào ngày 2/10 vừa qua, trong một cuộc diễn tập được gọi là touch-and-go - khi một chiếc máy bay hạ cánh rồi lại cất cánh mà không dừng lại hoàn toàn - máy bay E-6B Mercury đã đâm vào một con chim chưa được xác định, theo ông Tim Boulay, một phát ngôn viên của Phòng máy bay, Trung tâm tác chiến không quân hải quân.

May mắn là không có thương tích nào xảy ra và máy bay đã hạ cánh an toàn trên đường băng tại trạm không quân lúc 3:12 chiều cùng ngày. Đến nay, máy bay đã hoạt động trở lại.

"Động cơ đã được thay thế, và máy bay đã được đưa trở lại hoạt động", ông Boulay cho hay.

Cuộc tấn công của loài chim đánh dấu sự cố rủi ro hạng A thứ hai của loại máy bay "ngày tận thế" này trong năm nay. Vào tháng 2, một chiếc Mercury E-6B đã bị kẹt trong một nhà chứa máy bay khi di chuyển tại căn cứ không quân Tinker ở Oklahoma.

E-6B Mercury là một chiếc Boeing 707 được cải tiến để phục vụ làm nền tảng chỉ huy và liên lạc trên không cho Hải quân Hoa Kỳ trong trường hợp chiến tranh hạt nhân. Các hệ thống được chế tạo để có khả năng chống lại các xung điện từ bom hạt nhân phát nổ bên dưới nó.

Nó cũng được trang bị các hệ thống liên lạc tần số thấp, cho phép những người có trách nhiệm liên lạc với lực lượng tên lửa hạt nhân của Hải quân Hoa Kỳ trên các tàu ngầm tên lửa đạn đạo trên biển; được trang bị hệ thống kiểm soát phóng trên không, có nghĩa là nó có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền.

Chim tấn công máy bay không phải là hiếm xảy ra. Theo chương trình Department of Defense Partners in Flight (chương trình thử nghiệm, huấn luyện và an toàn quân sự) của Bộ Quốc phòng Mỹ mỗi năm có khoảng 3.000 sự cố động vật hoang dã tấn công máy bay quân sự và hơn 2.300 sự cố với máy bay dân dụng. 

Bộ Quốc phòng Mỹ có các chương trình phòng ngừa khác nhau, trong đó có chương trình Chim/ Động vật hoang dã tấn công máy bay, nhằm giảm các sự cố tấn công chim này.

"Thay đổi môi trường sống và khiến chim sợ hãi rời khỏi đường băng là một phần không thể thiếu trong các giải pháp, nhưng việc các phi công và đội bay hiểu được hành vi và chuyển động của chim liên quan đến môi trường sân bay và các tuyến huấn luyện quân sự cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giảm các cuộc tấn công của chim", theo đại diện của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại