Một cổ phiếu dược được khuyến nghị "mua", lợi nhuận ước tính lên đến gần 30%

Pha Lê |

Đây là doanh nghiệp có mạng lưới kinh doanh trải dài trên khắp cả nước, có hệ thống phân phối sâu rộng và lớn nhất Việt Nam.

Một cổ phiếu dược được khuyến nghị mua, lợi nhuận ước tính lên đến gần 30% - Ảnh 1.

Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) tiền thân là Xí nghiệp quốc doanh Dược phẩm 2/9, thành lập năm 1974. Sau 30/4/1975, Ban Dân Y Khu Tây Nam Bộ giải thể, giao Xí nghiệp Dược phẩm 2/9 cho Sở Y tế Hậu Giang quản lý.

Năm 1982, Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: Xí nghiệp Quốc doanh Dược phẩm 2/9, Công ty Dược phẩm Cấp 2, Trạm Dược Liệu.

Năm 1988, UBND Tỉnh Hậu Giang quyết định sát nhập Công ty Cung ứng vật tư, thiết bị y tế và Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang. Năm 2004, Cổ phần hóa Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang thành Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang.

Mạng lưới kinh doanh của DHG Pharma trải dài trên khắp các địa bàn cả nước và được biết đến như là một doanh nghiệp có hệ thống phân phối sâu rộng và lớn nhất Việt Nam. Tính đến đầu năm 2023, DHG Pharma có 34 chi nhánh phân phối hàng hóa trên khắp cả nước từ thành thị đến nông thôn (phân phối đến 3 tầng: Thành phố, huyện, xã).

Về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2023, DHG ghi nhận doanh thu thuần 1.229 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Doanh thu thành phẩm, chiếm 90% doanh thu thuần của DHG, tăng trưởng 21,1%, chủ yếu do nhu cầu vẫn cao đối với các sản phẩm chủ lực của công ty.

Xu hướng này đã diễn ra từ năm 2022, khi nhu cầu thuốc kháng sinh, giảm đau - hạ sốt, hô hấp tăng cao để điều trị hội chứng hậu Covid-19, đồng thời sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng gây ra những tác động lớn.

Công ty mở rộng được thị phần nhờ đã dự báo tốt, dự trữ sẵn nguồn nguyên liệu, triển khai sản xuất quy mô lớn đối với các sản phẩm thuộc ngành hàng kháng sinh, giảm đau hạ sốt trong khi các doanh nghiệp khác gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng để sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhu cầu cho các sản phẩm trên có thể sẽ giảm bớt trong thời gian tới vì đỉnh điểm của đại dịch có thể đã qua.

Một cổ phiếu dược được khuyến nghị mua, lợi nhuận ước tính lên đến gần 30% - Ảnh 2.

Kênh nhà thuốc vẫn và sẽ là nguồn thu chính của DHG mặc dù kênh bệnh viện đóng góp 13% và dự kiến sẽ tăng tỷ trọng trong dài hạn. DHG đã đạt chứng nhận Japan-GMP cho dây chuyền viên nén, viên nén bao phim, viên nén sủi bọt và thuốc cốm sủi bọt. Công ty cũng đã khởi công nhà máy beta-lactam mới tiêu chuẩn Japan-GMP/EU-GMP trong 2022 (vốn đầu tư 627 tỷ đồng; công suất thiết kế 470 triệu đvsp), dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024.

Nhờ biên lợi nhuận gộp tăng (đạt 50% trong quý 1/2023 so với 47,4% trong quý 1/2022) và tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu thuần giảm (đạt 20,9% trong quý 1/2023 so với 21,3% trong quý 1/2022). Lợi nhuận trước thuế của công ty tăng 36,7% so với cùng kỳ, đạt 391 tỷ đồng trong quý 1/2023.

"Việc tích trữ được nguyên liệu giá thấp, năng suất lao động tăng, quản lý chi phí tốt hơn... có thể đã hỗ trợ biên lợi nhuận của công ty trong thời gian qua. Chúng tôi dự phóng công ty có thể đạt kế hoạch doanh thu năm 2023 (5.000 tỷ đồng) trong khi lợi nhuận trước thuế có thể đạt 1.227 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ và cao hơn khoảng 9% so với kế hoạch công ty", báo cáo phân tích doanh nghiệp do Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho hay.

Về giá cổ phiếu, ACBS cho biết giá mục tiêu cho cổ phiếu này là 136.569 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng lợi nhuận kỳ vọng vào cuối năm là 27,3%.

Trong báo cáo phân tích của mình, ACBS cũng khuyến nghị các nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của Dược Hậu Giang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại