Một CEO Trung Quốc gửi tiết kiệm 159 tỷ đồng với lãi suất 16,8%/năm, 4 năm sau bỗng phát hiện số dư tài khoản chỉ còn gần 3 triệu

Ánh Lê |

Gửi tiết kiệm ở ngân hàng, CEO Trung Quốc tá hỏa khi số tiền khủng của công ty bỗng “bốc hơi” gần hết sau 4 năm.

*Vụ việc xảy ra ở Trung Quốc được chia sẻ lại trong thời gian gần đây như một lời khuyên mọi người đề cao cảnh giác trước những lời chào mời lãi suất cao bất thường, tránh bị kẻ xấu lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo.

Theo Sohu, vào tháng 8 năm 2012, anh Vương, CEO của một công ty truyền thông ở Hà Bắc, Trung Quốc, muốn gửi tiền vào ngân hàng để sinh lời an toàn. Theo lời giới thiệu của kế toán công ty là anh Lý, anh Vương tìm gặp anh Trác - nhân viên của một ngân hàng ở thành phố Thạch Gia Trang để bàn chuyện gửi tiết kiệm.

Anh Trác cho biết ngân hàng của họ đang tung ra chiến dịch tiết kiệm lãi suất cao lên đến 16,8%/năm, nếu anh Vương tham gia sẽ được hưởng khoản lãi vô cùng lớn. Bên cạnh đó, vì lãi suất cao hơn nhiều so với thị trường nên ngân hàng của họ cũng có những yêu cầu đặc biệt đối với tiền gửi của khách hàng.

Theo đó, thời gian gửi tiền ở ngân hàng này tối thiểu là 1 năm. Trong thời gian này, khách hàng không cần kiểm tra số dư, không được rút tiền trước hạn, không kích hoạt ngân hàng trực tuyến.

Vì là tiền gửi có kỳ hạn nên anh Vương cho rằng việc không được rút tiền trước là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, 2 yêu cầu còn lại của phía ngân hàng khiến vị CEO này cảm thấy hoài nghi. Dẫu vậy, xét thấy anh Trác là người đáng tin cậy và mức lãi suất mà ngân hàng đưa ra quá hấp dẫn nên anh Vương vẫn đồng ý gửi tiền vào ngân hàng này. Tuy nhiên, vị CEO lại không biết rằng hành động thiếu sự thận trọng này của mình sẽ khiến anh phải hối hận trong tương lai.

Về việc gửi tiền vào ngân hàng, anh Vương đã ủy thác cho kế toán của công ty là anh Lý đến ngân hàng nói trên để mở tài khoản tiền gửi cho công ty. Sau khi mở tài khoản, anh Vương đã gửi vào đó 45 triệu NDT (hơn 159 tỷ đồng) và yên tâm chờ đợi để hưởng lãi.

4 năm sau đó, vào năm 2016, khi công ty đang cần tiền để xây dựng nhà máy mới, anh Vương quyết định đến ngân hàng để rút khoảng 20 triệu NDT (hơn 70 tỷ đồng). Khi đến ngân hàng, nhân viên cho biết số tiền mà anh Vương muốn rút quá lớn nên cần phải đợi thêm một thời gian. Anh Vương nghe vậy thì tỏ ra khá khó chịu nhưng vẫn về nhà và chờ đợi.

Ảnh minh họa: Internet.

1 tháng sau đó, vị CEO này vẫn chưa nhận được thông báo của ngân hàng. Cảm thấy có vấn đề, anh Vương đã mở tài khoản online của mình ra để kiểm tra thì phát hiện số dư trong tài khoản chỉ còn 800 NDT (hơn 2,8 triệu đồng). Anh lập tức đến ngân hàng để làm rõ nguyên nhân nhưng lại nhận được thông tin số tiền trên đã bị chuyển sang tài khoản khác.

Theo phía ngân hàng, không lâu sau khi tiền của anh Vương được gửi vào ngân hàng, một người đàn ông họ Ngụy đã mang giấy ủy quyền có con dấu chính thức của anh Vương cùng một số giấy tờ cần thiết, thành công lấy được mật khẩu tài khoản và chuyển tiền đi.

Anh Vương nghe vậy thì vô cùng hoang mang bởi những giấy tờ nói trên vẫn do anh nắm giữ, chưa trao cho ai khác. Dẫu vậy, dù anh Vương có giải thích như thế nào, lãnh đạo ngân hàng vẫn quả quyết rằng tiền gửi đã được rút theo đúng quy trình và phía ngân hàng không còn liên quan đến số tiền trên.

Không chấp nhận câu trả lời của ngân hàng, anh Vương đã quyết định trình báo sự việc cho cảnh sát Trung Quốc để tìm lại số tiền đã mất. Sau một vài cuộc điều tra, đối tượng họ Ngụy đã nhanh chóng bị bắt giữ.

Trong quá trình thẩm tra, người này thú nhận đã cấu kết với kế toán Lýgiám đốc ngân hàng để lên kế hoạch và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty anh Vương. Theo đó, họ đã giả mạo con dấu của anh Vương và làm giả một số giấy tờ để chuyển tiền đi. Với số tiền rút được, những người này đem đi đầu tư chứng khoán nhưng bị thua lỗ và mất trắng. Cũng vì vậy nên dù sự việc được đưa ra ánh sáng, anh Vương vẫn không thể lấy lại số tiền mà công ty đã mất.

Tháng 3/2019, tòa án địa phương tuyên án đối tượng họ Ngụy bị kết án 14 năm tù và phạt 1 triệu NDT (hơn 3,5 tỷ đồng). Hai đối tượng còn lại cũng lần lượt bị kết án từ 3 đến 6 năm tù. Trong sự việc này, vị CEO họ Vương cho rằng ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm về số tiền gửi của mình nên đã khởi kiện đơn vị này nhưng đã bị tòa án địa phương bác bỏ vì lý do vụ án này liên quan đến tội phạm kinh tế.

Qua câu chuyện của vị CEO họ Vương, tòa án cũng khuyên người dân đề cao cảnh giác trước những lời chào mời lãi suất cao bất thường từ phía các cá nhân tự nhận là nhân viên ngân hàng để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại