Gan heo là món ăn chứa nhiều chất đạm, chất béo, sắt và vitamin A. Do chứa nhiều sắt nên món gan được mệnh danh là "vua bổ máu". Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo gan heo cung cấp sắt chống thiếu máu thiếu sắt và vitamin A bổ mắt. Trẻ em ăn 2 bữa gan/tuần và người lớn 1 bữa/tuần có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, gan có thể chứa chất độc nếu không chế biến đúng cách.
Dưới đây là các phương pháp sơ chế gan để món ăn thơm ngon và an toàn:
1. Rửa với muối
Khi mua gan về, bạn hòa tan lượng muối vừa đủ vào một bát nước lớn. Tiếp đó, bạn thái gan heo thành từng lát vừa ăn hoặc cắt thành khúc nhỏ, sau đó ngâm vào dung dịch nước muối đã pha. Để yên trong khoảng từ 1 đến 2 giờ.
Muối giúp khử trùng và loại bỏ các vi khuẩn, đồng thời có khả năng làm sạch các bề mặt và loại bỏ mùi hôi của gan. Quá trình ngâm giúp các chất có hại từ gan được loại bỏ một cách hiệu quả hơn khi rửa lại với nước sau đó.
2. Ngâm với sữa tươi không đường
Bạn đổ sữa tươi không đường vào một tô lớn sao cho có thể ngập gan heo, ngâm gan trong đó khoảng 30 phút.
Lý do là vì sữa tươi không đường có chứa các enzyme và axit lactic, hỗ trợ khử mùi hôi và làm sạch gan. Đây là cách làm mềm gan và cung cấp một môi trường để loại bỏ các chất độc từ gan một cách nhẹ nhàng.
3. Dùng giấm trắng
Thay vì dùng muối hoặc sữa tươi không đường, bạn có thể pha giấm trắng với để ngâm gan heo. Sau 30 phút, bạn tiến hành rửa sạch gan với nước. Axit acetic trong giấm trắng giúp loại bỏ các chất độc và vi khuẩn. Nó cũng có khả năng khử mùi hôi, giúp gan trở nên tươi và sạch hơn.
4. Dùng bột mì hoặc bột bắp
Bạn rắc một lượng vừa phải bột mì hoặc bột bắp lên trên mặt gan heo đã làm sạch, sau đó đảo đều bằng đũa và để yên trong khoảng 30 phút rồi rửa sạch. Bột mì và bột bắp giúp hấp thụ các chất lỏng thừa như máu tồn dư, từ đó loại bỏ mùi hôi và các chất độc còn sót lại trong gan.
5. Kết hợp bột mì, muối và dầu mè
Bạn hòa tan một lượng bột mì vừa đủ trong một tô nước, thêm vào đó 1 muỗng cà phê muối và 1 muỗng canh dầu mè. Khuấy đều để tạo thành hỗn hợp, sau đó ngâm gan heo đã thái thành từng lát vừa ăn vào đó khoảng 15 phút, tiếp sau đó là chà xát nhẹ để loại bỏ chất độc trước khi rửa sạch với nước.
Sự kết hợp của bột mì, muối, và dầu mè tạo ra một dung dịch có khả năng khử độc hiệu quả, giúp loại bỏ các chất độc tồn dư trong gan và khử mùi tanh.
Gan heo khi kết hợp với lá hẹ sẽ cho ra một món ăn không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng, đặc biệt tốt cho thận. BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho biết, từ xưa tới nay hẹ được người dân dùng trong nấu ăn và chữa các bệnh từ đơn giản tới phức tạp.
Gan heo xào lá hẹ - Món ăn đại bổ dành cho thận
Nếu bạn chưa biết cách chế biến thì có thể tham khảo công thức làm món gan heo xào lá hẹ ở dưới đây:
Nguyên liệu:
- Gan heo: 300g
- Gừng, tỏi
- Lá hẹ: 1 nắm
- Rượu nấu ăn: 2 thìa
- Ớt khô: 3 quả
- Hạt tiêu
- Nước tương: 2 thìa
- Muối: 1 thìa
- Hắc xì dầu: 1 thìa
- Bột mì: 1 thìa
Cách làm
Bước 1: Rửa sạch lá hẹ, để ráo nước và cắt khúc vừa ăn.
Bước 2: Gan heo lọc bỏ gân trắng, ngâm và rửa với bột mì để loại bỏ máu thừa và giảm mùi tanh, sau đó rửa sạch, thái miếng vừa ăn.
Bước 3: Trộn gan heo với rượu nấu ăn và muối, ướp để bớt mùi tanh.
Bước 4: Đun nóng dầu trong chảo, xào gan ở lửa lớn cho đến khi gan săn lại và chuyển màu, sau đó tắt bếp và cho gan ra đĩa.
Bước 5: Rửa sạch chảo, thêm ít dầu và đun nóng. Xào gừng, tỏi, ớt khô cắt nhỏ cho thơm, rồi thêm lá hẹ và xào đến khi thơm.
Bước 6: Thêm gan vào chảo, nêm nếm với muối, tiêu, nước tương, hắc xì dầu. Xào cho đến khi nước sốt sệt lại thì tắt bếp.
Với cách chế biến này, bạn sẽ có món gan heo xào lá hẹ ngon, mềm, không tanh và rất bổ dưỡng, đặc biệt tốt cho thận.
Để chọn được gan heo tươi và không nhiễm bệnh, bạn cần lưu ý những điểm sau đây:
Quan sát màu sắc: Gan tươi thường có màu đỏ tươi hoặc đỏ đậm, không có màu xám hay nâu. Màu sắc của gan nên đều và không có vết thâm đen.
Kiểm tra bề mặt: Bề mặt gan tươi không nên có màng nhầy hoặc chất dịch bám quá nhiều. Bề mặt gan phải mịn và có độ đàn hồi tốt, không bị nhớt khi sờ vào. Khi nhấn nhẹ vào gan, nếu gan tươi sẽ nhanh chóng trở lại hình dạng ban đầu. Nếu gan lún hoặc giữ nguyên dấu vết khi được nhấn, có thể nó không còn tươi.
Mùi của gan: Gan tươi có mùi đặc trưng nhưng không quá nồng nặc hoặc hôi thối. Nếu gan có mùi kháng sinh hoặc hóa chất, nên tránh mua vì có khả năng đó là gan của con lợn bị bệnh.
Kiểm tra nguồn gốc: Mua gan ở những cơ sở uy tín, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng và có kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu có thể, hãy chọn mua gan ở những nơi có giấy tờ chứng nhận sức khỏe cho lợn.
Tránh mua gan có dấu hiệu bất thường: Nếu thấy gan có vết bầm tím, lỗ chân lông to, hay có những khối u lạ, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tật trong gan và cần phải tránh mua.
Tổng hợp