Theo Daily Mail, bệnh nhân đến từ Geneva - Thụy Sĩ (50 tuổi) cũng được ghép tủy, nhưng là tủy bình thường không mang gien hiếm. Ông đã được điều trị vào năm 2018 và các xét nghiệm lặp đi lặp lại sau đó đều không tìm thấy dấu vết virus HIV trong máu nữa.
Tuy nhiên các bác sĩ vẫn muốn đợi thêm 5 năm để chắc chắn về kết quả trước khi công bố.
Virus HIV - Ảnh minh họa từ Internet
Thành công này là một bước tiến đột phá đem lại hy vọng cho người nhiễm HIV, không chỉ vì bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn mà còn vì ông được ghép tủy của người hiến tặng bình thường.
Trên thế giới trước đó đã có 5 bệnh nhân được xác định khỏi hẳn HIV nhờ nhận tủy của người mang gien đột biến CCR5 delta 32, nhưng phương án đó sẽ khó nhân rộng bởi tìm được người hiến tủy đã khó, tìm một người mang gien hiếm có thể hiến tủy phù hợp lại càng nan giải.
Với thành công ở bệnh nhân thứ 6, phương pháp điều trị HIV bằng ghép tủy có cơ hội nhân rộng.
Nam bệnh nhân này đã sống chung với HIV từ lâu, được điều trị bằng ART (các thuốc trị HIV được dùng rộng rãi kháp thế giới) trước đó.
Vào năm 2018, ông được hóa trị và ghép tủy như một phương pháp điều trị bệnh bạch cầu (ung thư máu). Một cách không thể tin nổi, việc điều trị này đã giúp ông khỏi HIV.
Các tế bào gốc khỏe mạnh từ tủy của người hiến tặng khỏe mạnh đã nhân lên và thay thế các tế bào tủy xương bị bệnh.
Theo mạng lưới Viện Pasteur (Pháp), họ phát hiện bệnh nhân đến từ Geneva đã được thay máu hoàn toàn: Các tế bào máu từ tủy của người hiến tặng thay toàn bộ tế bào máu trong cơ thể ông, các tế bào nhiễm HIV từ đó giảm đi đáng kể.
Như vậy, bệnh nhân này đã trở thành người thứ 6 trên thế giới được trị khỏi HIV.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 39 triệu người đang sống chung với HIV vào cuối năm 2022 và 630.000 người đã chết vì căn bệnh này.