Để bảo vệ nhà máy, chính phủ Iran cho tất cả máy móc thiết bị hoạt động dưới hầm ngầm, trong khi phía trên mặt đất đặt cả một đơn vị lính phòng không nhằm canh chừng bầu trời. Vậy mà chỉ sau khi lưới điện của nhà máy bị đánh sập, toàn bộ hoạt động tại Natanz bị buộc dừng lại nhiều ngày, gây tổn thất không nhỏ đối với Tehran.
Sự cố hiện đang được giới chức Iran điều tra, nhưng theo nhiều nhà quan sát quốc tế, Israel gần như chắc chắn là bên đứng sau vụ tấn công. Israel từ lâu đã phát động một “cuộc chiến ngầm” nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Tehran.
Theo các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Tel Aviv, mục tiêu của cuộc chiến này là ngăn cản Iran phát triển thành công vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, cộng đồng quốc tế đang lo ngại liệu Israel có đang đi quá xa đến mức đẩy nền hoà bình Trung Đông vào vòng khủng hoảng hay không?
Cuộc chiến không khoan nhượng
Ngay trong thời kỳ Iran còn là đồng minh với Mỹ, quan hệ giữa nước này và Israel đã nóng lạnh thất thường rồi. Việc Mỹ liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt lẫn xâm lược nước láng giềng Iraq của Iran đã vô hình trung biến Iran và Israel trở thành đối thủ của nhau.
Cả hai nước đều hiểu rằng một cuộc chiến tranh "nóng" sẽ không dẫn đến đâu cả vì tương quan lực lượng hai bên khá đồng đều. Do vậy Israel và Iran chỉ đối đầu qua các trung gian. Ví dụ như khi họ bảo trợ cho các nhóm nổi dậy Syria đối địch nhau.
Động lực duy nhất có thể khiến Israel trực tiếp nhúng tay là chương trình hạt nhân của Iran. Israel là quốc gia duy nhất tại Trung Đông sở hữu vũ khí hạt nhân. Chắc chắn họ (và Mỹ) không muốn mất đi lợi thế này. Cục tình báo Israel Mossad đã không ít lần tiến hành phá hoại chương trình hạt nhân của Iran với mục đích làm chậm dự án này.
Cách đây hơn 10 năm, Mossad và CIA bí mật hợp tác trong khuôn khổ chiến dịch tình báo Olympic Games.
Vũ khí của họ là một loại virus máy tính mới mang tên Stuxnet. Không biết bằng cách gì mà mật vụ Israel đã cài được Stuxnet vào hệ thống máy tính tại nhà máy Natanz. Con virus nhanh chóng phát huy tác dụng và làm hỏng từ 900 đến 1.000 máy gia tốc li tâm.
Tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) bên cạnh người đồng cấp Israel Benny Gantz.
Không khó để phá huỷ một máy gia tốc li tâm. Mỗi cỗ máy này quay với tốc độ 100.000 vòng/phút, nếu muốn dừng lại phải giảm dần tốc độ quay.
Nếu máy đột ngột ngừng quay vì virus Stuxnet, thân máy sẽ rung lắc dữ dội (giống như xe khi phanh gấp), từ đó dẫn đến hỏng hóc các bộ phận. Tuy chính phủ Iran không tiết lộ toàn bộ thông tin, nhưng chắc chắn là chương trình hạt nhân của họ đã bị chậm lại nhiều năm vì vụ tấn công nói trên.
Táo tợn hơn, Israel còn trực tiếp nhắm đến các nhân vật chủ chốt trong chương trình hạt nhân Iran. Người đầu tiên chết dưới tay Mossad là một nhà khoa học nguyên tử làm việc tại Natanz. Ngôi nhà ông này bị nổ tung. Nguyên nhân ban đầu bị cho là rò rỉ khí ga, nhưng theo các báo cáo bí mật của tình báo Iran, đã có người gài thuốc nổ tại tư gia của nhà khoa học.
Kể từ đó đến nay đã có sáu nhà khoa học và sỹ quan quân đội khác có liên quan đến chương trình hạt nhân nguyên tử của Iran bị ám sát. Số người sống sót có thể đếm trên đầu ngón tay.
Chẳng hạn như Rostam Ghasemi, nguyên chuẩn tướng lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, nguyên Bộ trưởng Dầu mỏ.
Ông Rostam may mắn thoát khỏi họng súng Mossad trong khi đang viếng thăm nước láng giềng Lebanon. Vụ ám sát hụt xảy ra chỉ cách vài ngày trước khi mật vụ Israel đột kích vào một nhà kho tại Tehran để ăn trộm nửa tấn tài liệu về chương trình hạt nhân nguyên tử.
Iran phải nhập khẩu hầu hết các loại máy móc kỹ thuật cao nhằm phục vụ cho việc làm giàu uranium. Mossad đã tốn nhiều công sức để truy tìm nguồn gốc các loại máy móc này rồi sau đó hoặc là phá huỷ chúng, hoặc là gắn chíp định vị vào thiết bị được nhập vào Iran.
Theo tiết lộ của một cựu điệp viên Israel, người này và các đồng nghiệp sẽ lái xe qua các cổng các nhà máy sản xuất máy móc nói trên rồi giả vờ gặp tai nạn hay có người lên cơn đau tim.
Các điệp viên sẽ dùng cái cớ này để đánh lạc hướng nhân viên bảo vệ, tạo điều kiện để một người xâm nhập vào bên trong nhà máy.
Người này làm nhiệm vụ hoa tiêu đánh dấu trên sơ đồ những chỗ có camera hay bảo vệ. Vài ngày sau đó, một đội đặc nhiệm sẽ dựa trên sơ đồ mà đột kích vào nhà máy và phá hoại máy móc thiết bị.
Iran sẽ không thể chấp nhận bất cứ sự can thiệp thô bạo nào từ bên ngoài.
Căng thẳng leo thang
Ngay sau khi vụ nổ lưới điện xảy ra tại nhà máy Natanz, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã họp báo cáo buộc Israel chịu trách nhiệm về sự kiện này. Các nguồn tin từ Mỹ và Israel sau đó cũng khẳng định lại cáo buộc trên. Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel, Trung tướng Aviv Kohavi, còn nói bóng gió đến việc Israel đứng sau vụ tấn công trong bài phát biểu trước toàn thể một doanh trại bộ binh.
Vụ phá hoại xảy ra trước thềm Mỹ, các nước Châu Âu và Iran tiến hành đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna (Áo). Rất có khả năng Israel muốn dùng sự kiện này để gửi một thông điệp đến với các đồng minh của mình.
Chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tỏ sự thiếu tin tưởng vào thoả thuận hạt nhân năm 2015 ngay từ những ngày đầu ký kết. Sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Israel đã dùng ảnh hưởng của mình để khiến ông Trump đơn phương rút khỏi thoả thuận và áp đặt thêm cấm vận lên Iran.
Ngày xảy ra vụ nổ tại Natanz cũng trùng với cuộc công du Israel của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin. Ông Lloyd nói riêng và chính quyền tổng thống Joe Biden nói chung đều tin vào việc nối lại thoả thuận hạt nhân với Iran. Khó có thông điệp nào thể hiện sự bất đồng của Israel đối với kế hoạch này hơn việc Mossad tấn công trực tiếp nhà máy hạt nhân Natanz.
Iran tổ chức ngày Công nghệ nguyên tử quốc gia vào 7 tháng 4 hàng năm nhằm kỷ niệm các bước tiến khoa học trong lĩnh vực này mà Iran đã đạt được.
Trong ngày lễ năm nay, Iran sẽ cho trình làng mẫu máy li tâm loại mới IR-2 có khả năng làm giàu uranium tốt hơn hẳn so với mẫu IR-1 cũ. Với IR-2, rất có thể Iran sẽ đạt mức làm giàu uranium 90% trong thập kỷ tới. Rất có thể mục tiêu cao nhất của Mossad trong cuộc tấn công vừa rồi là phá được cỗ máy IR-2ở Natanz.
Các máy li tâm tại nhà máy hạt nhân Natanz.
Liệu có "giọt nước tràn ly"?
Theo các chuyên gia an ninh quốc tế, rất có thể Israel đã tấn công vào mạng lưới máy tính ở Natanz để thực hiện việc phá hoại. Vào năm 2007, Phòng Thí nghiệm quốc gia Idaho thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đã tiến hành thử nghiệm buộc một máy phát điện nặng 27 tấn chỉ với 21 dòng mã độc. Có một số dấu hiệu cho thấy Israel đã biến thí nghiệm nói trên thành hiện thực ở Iran.
Khi được hỏi về tổn thất đối với nhà máy hạt nhân, ông Ali Akbar Salehi, giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran, không đưa ra một con số cụ thể mà chỉ nói rằng các máy móc tại Natanz vẫn đang hoạt động sử dụng máy phát điện khẩn cấp.
Báo chí lẫn các quan chức nước ngoài hiện vẫn chưa biết gì về số phận 6.000 máy li tâm IR-1 và 1.000 máy IR-2 ở nơi đây. Theo nhận định của một quan chức Liên Hợp Quốc giấu tên, Iran cần mất đến 9 tháng để khôi phục lại lưới điện và đưa nhà máy Natanz hoạt động 100% công suất thiết kế.
Điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm nhiều hơn là phản ứng của Iran sau vụ tấn công. Phe bảo thủ trong chính phủ Tehran đã ngay lập tức gây sức ép lên các nhà lập pháp buộc họ đình lại cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ. Phó chủ tịch Tiểu ban An ninh quốc gia & Chính sách ngoại giao của quốc hội Iran, ông Abbas Moghtadaie, đã tuyên bố về mối lo ngại này trước các nghị viên.
Kể cả khi tổng thống Hassan Rouhani không ngừng lại cuộc đàm phán, ông vẫn buộc phải có hành động đáp trả Israel. Không người Iran nào, từ đồng minh đến đối thủ chính trị của ông Rouhani, có thể chấp nhận việc một quốc gia khác can thiệp trắng trợn vào đất nước họ đến vậy.
Vào tháng 7 năm ngoái, lực lượng Hezbollah, đồng minh của Iran ở Lebanon, đã bắn tên lửa nhắm vào các nhà máy xử lý nước của Israel ở bên kia biên giới. Liệu một vụ tấn công tầm cỡ như vậy sẽ được Iran thực hiện?
Có thể là quá sớm để trả lời câu hỏi này ngay. Kể từ sau vụ phá hoại do virus Stuxnet gây ra, Iran đã thắt rất chặt an ninh tại nhà máy Natanz. Việc xảy ra vụ tấn công thứ hai khiến Iran có lý do để tin rằng điệp viên Mossad đã xâm nhập vào những vị trí cao nhất trong chính quyền và quân đội của họ.
Một số cựu lãnh đạo của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran mới đây đã gửi thư chung lên chính phủ Tehran yêu cầu các quan chức phụ trách an ninh và tình báo từ chức vì không ngăn chặn được các hành động phá hoại nhằm vào các cơ sở hạt nhân.
Đến nay chỉ mới có một cá nhân được xác định có liên quan đến vụ tấn công. Đài truyền hình nhà nước Iran đã đăng ảnh truy nã một người đàn ông tên Reza Karimi, 43 tuổi vì đã giúp thực hiện phá hoại lưới điện ở Natanz.
Vậy nhưng bản thân cơ quan tình báo Iran cũng không rõ liệu Reza Karimi có phải tên thật của đối tượng này, hoặc hắn hoạt động một mình hay có đồng bọn. Họ chỉ biết rằng Reza đã rời khỏi Iran chỉ vài giờ trước khi vụ nổ xảy ra.
Giữa lúc tình hình đang rối ren thì chuẩn tướng Mohammad Hosseinzadeh Hejazi, chỉ huy lực lượng Quds (một đơn vị tinh nhuệ của quân Vệ binh Cách mạng chuyên hoạt động ngoài lãnh thổ Iran) qua đời vì đau tim. Vị này từ lâu đã là mục tiêu của Mossad.
Hiện nay trên khắp Iran người ta đang đồn đoán liệu có phải tướng Mohammad chết vì đau tim thật không hay là bị ám sát? Cho dù thế nào đi nữa, quan hệ giữa Iran và Israel đang đứng rất gần bờ vực xảy ra xung đột “nóng”.
Đứng trên phương diện quốc tế, nhiều nhà quan sát cho rằng, Israel đã đẩy sự việc đi quá xa. Quả thật là Iran đang làm giàu uranium, nhưng họ không có tên lửa để chế tạo vũ khí hạt nhân. Các loại tên lửa mà Iran tự sản xuất hay mua được đều không có khả năng vượt qua được lá chắn phòng không của Israel do Mỹ sản xuất.
Bản thân Iran cũng được nhiều hơn mất khi không phát triển vũ khí hạt nhân. Họ đang nóng lòng mong chờ được Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để hồi phục đất nước hậu COVID-19.
Dường như điều mà Israel thật sự lo ngại không phải an ninh quốc gia mà là ảnh hưởng càng ngày lớn của Iran lên các quốc gia trong khu vực như Iraq, Syria, Jordan và Ai Cập. Nếu Israel cứ tiếp tục giữ mục tiêu chiến lược là “cô lập, kiềm chế Iran”, việc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran khó đạt được thành công trong tương lai.