Ngân hàng đầu tư này cũng chỉ ra đồng USD trong tương lai sẽ không còn là đồng tiền tệ được dự trữ nhiều nhất và sử dụng rộng rãi trên thế giới. Các chiến lược gia cho biết, các đối thủ như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, yên Nhật hay thậm chí là đồng tiền chung của BRICS có thể là mối rủi ro lớn với đồng USD. Song, đồng USD sẽ không sớm bị thay thế.
James Lord, trưởng nhóm chiến lược giao dịch ngoại hối tại các thị trường mới nổi của Morgan Stanley, cho biết: “Bạn muốn sở hữu loại tiền tệ nào khi thị trường chứng khoán toàn cầu bắt đầu sụt giảm và nền kinh tế có xu hướng rơi vào suy thoái? Câu trả lời vẫn là đồng USD vì việc sử dụng USD vẫn là xu hướng chung trong những sự kiện như vậy.”
Michael Zezas, trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách công của Mỹ tại Morgan Stanley, nhận định thêm: “Nói tóm lại, ‘ngôi vương’ của đồi USD thực sự không có đối thủ nào.”
Morgan Stanley đã chỉ ra 3 yếu tố giúp đồng USD giữ vị thế dẫn đầu trên thị trường tài chính:
Đồng Nhân dân tệ thanh khoản kém hơn nhiều so với USD
Các chiến lược gia cho biết, đồng Nhân dân tệ - vốn được Bắc Kinh coi là “kẻ thách thức” đồng USD trên trường thế giới, chưa đủ thanh khoản để phá vỡ sự thống trị của đồng bạc xanh. Một phần lý do đến từ các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ của Trung Quốc đối với đồng nội tệ, nhằm hạn chế lượng tiền mặt có thể mang vào và ra khỏi Trung Quốc.
Lord cho hay: “Dường như đồng Nhân dân tệ khó có thể đủ mạnh để thực sự gây thách thức cho đồng USD. Để làm được như vậy, chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ cần nới lỏng sự kiểm soát với đồng nội tệ và công khai cán cân vốn. Nhưng có vẻ Bắc Kinh vẫn chưa muốn thực hiện điều này.”
Ngoài ra, còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về nền kinh tế Trung Quốc, như nhu cầu sụt giảm và lĩnh vực bất động sản đang suy thoái ở nước này.
Lord nói thêm: “Trung Quốc có thể đạt được một số bước tiến trong việc có vị thế ngày càng tăng trong thương mại song thương bằng đồng USD, nhưng tác động của đồng USD với các thước đo trên toàn cầu với sự thống trị của đồng tiền tệ có thể sẽ ngày càng tăng.”
Mối lo ngại về nợ công của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến đồng USD
Những người dự đoán về “ngày tận thế” của đồng USD cho biết niềm tin vào đồng bạc xanh ngày càng suy giảm khi mối lo ngại về nợ công của Mỹ ngày càng lớn. Tính đến năm nay, chính phủ Mỹ đã phải gánh khoản nợ kỷ lục là 34 nghìn tỷ USD.
Song, điều này lại có ít ảnh hưởng đến tâm lý đối với đồng USD, do đồng tiền này lâu nay vẫn là một loại tài sản nổi tiếng là an toàn và có tính thanh khoản cao.
Zezas chỉ ra: “Mối lo ngại này là hợp lý nhưng trong tương lai gần thì điều đó cũng không có tác động lớn. Tuỳ vào kết quả bầu cử tổng thống, một số biện pháp mở rộng về tài khoá sẽ được thảo luận nhưng chúng tôi không cho rằng việc này là đáng lo ngại. Mối rủi ro lớn hơn là trong trường hợp Fed không thể chế ngự lạm phát, song đây dường như là điều khó có thể xảy ra. Nhìn chung, USD vẫn một đồng tiền tệ ổn định.”
Lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể sau khi đạt đỉnh từ năm 2022. Theo số liệu lạm phát mới nhất, CPI chỉ tăng 3% trong tháng 6 và gần như thấp nhất trong hơn 3 năm.
Tiền số không phải là sự thay thế tiềm năng
Các chiến lược gia cho biết, dù các loại tiền số như Bitcoin có tính thanh khoản cao nhưng không ổn định.
David Adams, trưởng nhóm chiến lược giao dịch ngoại hối các nước G10 tại Morgan Stanley, nhận định: “Nếu nắm giữ một đồng tiền số đang tăng giá, giả định là 10% mỗi tháng, thì tôi sẽ để trong danh mục đầu tư và hưởng lợi từ đà tăng đó. Còn việc tiền số trở thành đồng tiền thống trị thì tôi nghĩ là không thể.”
Các chuyên gia kinh tế khác cũng loại bỏ khả năng đồng USD sớm bị lật đổ khỏi vị thế thống trị. Họ cho rằng, việc thay thế một đồng tiền đang đứng đầu sẽ là điều diễn ra trong nhiều thập kỷ vì cả thế giới cần thời gian để chuyển sang những loại tiền tệ khác sau khi có một “ứng viên” được coi là “an toàn”.
Tham khảo BI