Morgan Stanley: Chiến tranh thương mại sẽ chẳng thể làm sứt mẻ nhiều nền kinh tế Trung Quốc

Linh Anh |

Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn nền kinh tế của mình bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Robin Xing, người đứng đầu bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Morgan Stanley, nhấn mạnh: "Chúng tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng bởi tác động tiềm tàng từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể được khắc phục bởi các biện pháp nới lỏng chính sách của nhà chức trách Trung Quốc".

Theo nhận định của Xing, việc Mỹ đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chẳng thể gây ra vấn đề gì lớn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Chỉ mới tuần trước, Mỹ và Trung Quốc cũng đã đánh thuế lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của nhau. Trước đó, một lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD cũng đã bị Bắc Kinh và Washington đưa vào diện đánh thuế.

Ở thời điểm hiện tại, các nhà quan sát đang theo dõi tuyên bố của Mỹ về việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay. Nếu Mỹ áp dụng mức thuế bổ sung này, tác động có thể được khuếch đại bởi cách thức chuỗi cung ứng ở Đông Á kết nối với Trung Quốc.

Trên thực tế, sự gián đoạn mà Chiến tranh Thương mại gây ra cho chuỗi cung ứng có thể làm giảm 0,7% sự tăng trưởng của Trung Quốc. Điều đó có thể thúc đẩy Bắc Kinh tiến hành các biện pháp nới lỏng có ý nghĩa hơn như cắt giảm thuế và tăng cường tín dụng và thanh khoản trong hệ thống tài chính nước này.

Chính sách thuế của Mỹ dường như đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc khi dữ liệu sản xuất mới nhất cho thấy các đơn hàng xuất khẩu đã chậm lại. Xing cho rằng tình trạng này sẽ được duy trì trong hết tháng 8 trước khi Bắc Kinh tác động trong tháng 9 và tháng 10 thông qua việc phát hành trái phiếu mới.

Mặc dù có những lo ngại về nợ nần của Trugn Quốc nhưng Xing cho rằng việc nới lỏng trong thời gian này sẽ là phương án "phòng thủ" và không phải là đợt kích thích quy mô lớn như những gì đã được bơm vào nền kinh tế như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bắc Kinh sẽ không cắt giảm lãi suất hoặc nới lỏng các chính sách tài sản khác.

Bắc Kinh đã và đang quản lý sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sau 3 thập niên đột biến, được thúc đẩy bởi nợ nần. Morgan Stanley dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống 6,4% trong nửa đầu năm tới so với con số chính thức là 6,8% trong nửa đầu năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại