Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, chuyên gia về quan hệ quốc tế, truyền thông- phát triển xã hội chia sẻ với phóng viên như vậy khi nói về những giải pháp mới, những quyết tâm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ, đã và đang giúp Việt Nam dần vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Thanh An: Asean trong đó có Việt Nam đang chịu tác động rất lớn bởi dịch Covid-19, vậy ông có đánh giá gì về đường đi mới của Việt Nam trong phòng chống dịch thời điểm này?
Ông Vũ Tú Thành: Thật ra tôi bắt đầu nhìn thấy con đường ra khỏi vòng vây dịch bệnh của Việt Nam. Nhân tố có vai trò mở đường vào lúc này chính là sự năng động, quyết liệt tại "chiến trường" và tầm tư duy trong tổ chức hoạch định kế hoạch vĩ mô của Thủ tướng.
Các cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ dường như đang được báo chí đưa tin gần giống thể loại truyền hình thực tế, lấy tiếng hiện trường đoạn hội thoại, không biên tập và không lời bình. Hình thức này giúp người dân và doanh nghiệp rất dễ nhìn thấy sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ kiêm Trưởng BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khi ông đốc thúc bộ máy chính quyền phải hành động.
Họp với Tiền Giang và Kiên Giang hôm 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã không giấu được vẻ thất vọng: "Như Kiên Giang tiếp tục giãn cách, nhưng tôi chả biết giãn cách đến lúc nào. Theo tôi, căn cứ vào tình hình cụ thể, các đồng chí phải đưa ra các mục tiêu cụ thể. Các đồng chí định giãn cách bao lâu, tại những địa phương nào?… Và trong thời gian giãn cách, tăng cường giãn cách đấy thì phải đạt được mục tiêu gì? Chứ không cứ đưa ra chung chung là tiếp tục, (thì) tiếp tục (đến) bao giờ?".
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một lần 'truy bài' trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng đang cho thấy ông rất hiểu và thực sự chia sẻ những khó khăn, phiền toái của nhân dân: "…Chỉ thực hiện giãn cách mà không đặt ra được mục tiêu cụ thể thì cứ giãn cách mãi. Rồi mình mệt mỏi, nhân dân cũng mệt mỏi. Cuối cùng là đuối sức...".
Khi người đứng đầu Chính phủ đưa ra thông điệp "phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp hiệu quả, tìm cách thích ứng và an toàn trong mọi diễn biến của dịch" và "không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn", đồng nghĩa với việc ông và thuộc cấp của mình buộc phải nghĩ đến những lối thoát mới cho tất cả.
Thanh An: Theo ông, lối thoát mới nào nên được ưu tiên vào lúc này?
Ông Vũ Tú Thành: Một trong những lý do cơ quan chống dịch và chính quyền địa phương trước đây thường viện dẫn để lý giải cho mức độ trầm trọng và dai dẳng của dịch bệnh cũng như biện minh cho quyết định kéo dài biện pháp giãn cách, phong tỏa là sự vô ý thức, thiếu kỷ luật của người dân. Người dân không chịu tuân thủ 5K, không chịu ở yên trong nhà, cứ lao ra ngoài đường hoặc cố tình vi phạm quy định giãn cách trong các khu phong tỏa...
Khi một người nhiễm virus thì chiến lược được chính quyền các cấp quán triệt là phải nhanh chóng bóc tách họ khỏi cộng đồng. F0 luôn phải cách ly ngay để điều trị hoặc để theo dõi.
Tuy nhiên, qua những chuyến "vi hành" thẳng xuống cơ sở không báo trước, những buổi "truy bài" trực tuyến không biên tập vừa rồi của người đứng đầu Chính phủ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, có thể thấy sự lơ là, thiếu ý thức trong công tác phòng dịch của lãnh đạo chính quyền các cấp là không hề nhẹ.
Khi sự quan liêu được áp dụng vào hoạt động chống dịch, chẳng ít các vị lãnh đạo địa phương đã thể hiện năng lực và sự mẫn cán của mình vào việc dựng rào ngăn sông cấm chợ - một "giải pháp" bất chấp các chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ- cấm làm việc đó.
Muốn tạo chuyển biến căn bản trong công tác chống dịch, như Thủ tướng và nhiều chuyên gia đang phân tích, phải thay đổi tư duy theo hướng vừa bóc tách vừa sống chung. Giữa F0 không triệu chứng với lãnh đạo không nắm rõ tình hình địa phương, hai trường hợp đó cần bóc tách bên nào hơn để sớm kiểm soát được dịch bệnh?
Ngành y tế đã chứng minh F0 không triệu chứng, có đủ điều kiện cách ly nên được tự điều trị tại nhà. Như vậy, trường hợp phải ưu tiên bóc tách trong cách tiếp cận mới, nếu chúng ta chịu khó quan sát có thể thấy chính là các vị công chức quan liêu, chứ không phải F0.
Dù phải sống chung với virus trong thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ bảo vệ được người dân và thực hiện tốt các hoạt động sinh hoạt xã hội cũng như sản xuất kinh doanh trong bình thường mới. Nhưng nếu vẫn phải sống chung với các vị quan liêu trong bình thường cũ thì người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục khốn đốn dù có dịch hay không.
Thanh An: Đó là gợi ý cho lối thoát vận hành bộ máy hành chính dù có dịch hay không có dịch. Còn các giải pháp cụ thể trong phòng chống dịch, đâu là điểm sáng giúp Việt Nam tìm được con đường thoát dịch của mình như ông nói?
Ông Vũ Tú Thành: Thủ tướng đã lắng nghe nhiều ý kiến phản biện, góp ý về các biện pháp chống dịch và nắm bắt được bản chất vấn đề. Ông nhận thức rất rõ cách tiếp cận cũ không còn phù hợp với biến chủng mới của virus cũng như tình hình đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Phải có cách mới. Còn mới như thế nào thì chính Thủ tướng và BCĐ Quốc gia cũng đang vừa làm vừa tìm kiếm và hoàn thiện các giải pháp phù hợp.
Chúng ta huy động tất cả mọi thành phần kinh tế - xã hội, tìm đủ cách xã hội hóa để có thể nhập khẩu vắc xin thì mới vỡ ra vắc xin Covid-19 trên thế giới đều đang không bán cho doanh nghiệp. Các nhà sản xuất, các quốc gia sở hữu vắc xin tuân theo nguyên tắc chỉ làm việc với Chính phủ.
Trong lúc cả nước đau đầu vì vắc xin nhập khẩu về quá nhỏ giọt, vắc xin tự phát triển chưa xong, đáp lại yêu cầu của Đảng, của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã hành động thực sự thần tốc. Từng lá thư của lãnh đạo Việt Nam được đích thân các Đại sứ ở nước ngoài tìm mọi cách gửi đến lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế một cách đúng thời điểm nhất đóng vai trò to lớn lắm luôn.
Kết quả, thời điểm này, Việt Nam có được cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều vắc xin phòng Covid-19; đã nhận được khoảng 30 triệu liều. Mặc dù Việt Nam vẫn thiếu vắc xin, song như chúng ta thấy đang có sự chuyển biến rõ rệt khi xuất hiện một vài địa phương hơn 90% dân số đã được tiêm mũi 1.
Thanh An: Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đang có những nhận định gì về môi trường đầu tư, kinh doanh hiện tại của Việt Nam thưa ông?
Ông Vũ Tú Thành: Rất tích cực!
Doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam thời điểm này đang tương đối thoải mái ở góc độ tiếp cận Chính phủ, tiếp cận các cơ quan quản lý nhất là cấp Trung ương.
Theo quan sát của chúng tôi khoảng 2 tháng trở lại đây, dường như có làn sóng các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, thậm chí ở cấp độ chuyên viên giải quyết sự vụ rất nhiệt tình. Họ chủ động liên hệ để tìm hiểu, nắm bắt những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải. Họ cũng phối hợp rất chặt chẽ nhằm tiếp thu mọi đề xuất... Chúng tôi đề xuất nội dung gì là chuyên viên ở dưới trình lãnh đạo ngay. Lãnh đạo cũng vậy, nhanh chóng duyệt luôn.
Điển hình là khi doanh nghiệp cần gặp gỡ để trao đổi công việc, các Bộ trưởng tiếp ngay. Hai nữa, nếu cần gặp đến cấp Thủ tướng là Thủ tướng cũng bố trí. Mà không phải mỗi doanh nghiệp Mỹ nhận được sự cởi mở đâu, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean... tất cả luôn, đều nhận được sự hỗ trợ một cách chủ động.
Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa được VPCP phát hành ngày 9/9/2021 đã đưa rất nhiều những kiến nghị của chúng tôi vào. Hơn nữa, suốt quá trình xây dựng Nghị quyết, ban soạn thảo cũng đã gửi dự thảo cho các Hiệp hội từ đầu để trao đi đổi lại mọi nội dung.
Thanh An: Những kiến nghị nào cho ông thấy bộ máy Nhà nước đã lắng nghe, thay đổi tích cực như thế nào?
Ông Vũ Tú Thành: Nhiều chứ!
Ngay từ lúc mới bùng phát đợt dịch lần thứ 4, chúng tôi kiến nghị với Thủ tướng hàng hóa lưu thông thì không dừng lại. Không thể "ngăn sông, cấm chợ" với hàng hóa được. Và đúng như chúng tôi kỳ vọng, từ rất sớm, trước cả khi Nghị quyết được ban hành, Thủ tướng đã đưa nguyên tắc chỉ đạo theo hướng chấp nhận đề xuất của doanh nghiệp.
Kiến nghị thứ hai là danh mục hàng hóa thiết yếu. Hạ tầng xã hội, hệ thống chính sách an sinh của Việt Nam không được xây dựng và vận hành như "Tây". Cho nên danh mục hàng hóa thiết yếu khi đưa ra lại biến thành một dạng xin - cho với bộ máy thừa hành ở dưới. Người ta tùy tiện, thích hiểu thiết yếu thế nào thì hiểu, đã gây ra bao nhiêu bức xúc.
Khi chúng tôi nêu kiến nghị về việc cơ quan chức năng cần đưa ra danh mục cấm cụ thể, còn tất cả hàng hóa, dịch vụ không cấm đương nhiên thiết yếu. Tức là những gì không cấm thì cho lưu thông. Thế là Bộ Công Thương làm luôn, trình luôn Chính phủ. Thủ tướng nghe ra và quyết bỏ ngay. Bây giờ đã không còn nặng nề vấn đề danh mục thiết yếu nữa.
Đề xuất cho doanh nghiệp tự xét nghiệm người lao động, ngay trước hôm ký ban hành Nghị quyết vẫn còn cơ quan phản đối kịch liệt. Cuộc họp kéo dài đến tận đêm. Rất nhiều dữ liệu được đưa ra phản bác đề xuất trên, chỉ vì lo sợ không kiểm soát được chất lượng xét nghiệm. Tuy nhiên, trợ lý Thủ tướng cùng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã quyết liệt bảo vệ quan điểm không thể vì lo lắng mà tước đi cơ hội của doanh nghiệp. Phải để doanh nghiệp tự làm mới đẩy nhanh tốc độ, khai thông tắc nghẽn sớm đi vào hoạt động, đồng thời tiết giảm chi phí rất lớn cho cả Nhà nước và doanh nghiệp... Cơ quan chức năng chỉ cần ban hành quy chuẩn hướng dẫn xét nghiệm trong các KCN, nhà máy, xí nghiệp... để doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện.
Đạt được những thay đổi dù rất nhỏ trong chỉ đạo sự vụ cụ thể hay ở tầm vĩ mô khi xây dựng chính sách như thời gian này, đúng là Chính phủ đã tôn trọng ý kiến doanh nghiệp.
Thanh An: Nhiều cơ quan của Chính phủ đang bắt đầu lên kế hoạch cho năm 2022, doanh nghiệp sẽ chờ kế hoạch của Chính phủ hay đã chuẩn bị kịch bản cho mình thưa ông?
Ông Vũ Tú Thành: Chờ thế nào được. Doanh nghiệp thực chất luôn năng động hơn khu vực Nhà nước nhiều.
Thứ nhất, bởi vì chính sách chống dịch hiện nay của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào giãn cách, phong tỏa cho nên doanh nghiệp nào cũng đối mặt với chuỗi ngày tạm dừng hoạt động hoặc nguy cơ đóng cửa hàng tháng trời. Trong năm 2022, về góc độ tiếp cận chính sách, tất cả các hiệp hội doanh nghiệp sẽ vẫn kiên trì phản ánh với Chính phủ và chính quyền địa phương về tổ chức sản xuất an toàn, cố gắng tối đa tránh áp dụng giãn cách, phong tỏa.
Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp đã sớm xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn trong bối cảnh địa phương có dịch. Chả phải chờ đến đợt dịch thứ 4 này bùng ra đâu, trước đó chúng tôi đã áp dụng rồi, chỉ chờ Bộ Y tế công nhận.
Tuy nhiên, bộ tiêu chí này không thể áp dụng một cách cơ học cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước mà phải căn cứ vào tình hình dịch tại từng địa phương. Song trên thực tế một khi địa phương bị cuốn vào dịch thì họ còn chả đủ người chống dịch nữa là bố trí nhân sự làm việc với từng doanh nghiệp để thống nhất phương án nọ kia. Chúng tôi đang kiến nghị nếu địa phương không có người thì Chính phủ nên cử lực lượng vào giúp, giống như Chính phủ đang cử người hỗ trợ địa phương trên mặt trận y tế và an sinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (đứng bên trái ảnh) trong bộ đồ bảo hộ, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp ở một số tỉnh miền Nam hồi cuối tháng 8.
Sẽ rất hiệu quả khi mặt trận kinh tế có được Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thường trực hỗ trợ. Thậm chí sản xuất, kinh doanh sẽ ngay lập tức được kích hoạt an toàn nếu thời gian tới Thủ tướng có cuộc điện thoại trực tiếp hỏi địa phương xem hôm nay đã làm việc với doanh nghiệp nào? Có bao nhiêu doanh nghiệp được tổ chức sản xuất an toàn trên địa bàn?...
Cho nên tôi thực sự kỳ vọng rằng bên cạnh những công việc ở tầm vĩ mô, chiến lược, Thủ tướng sẽ vẫn dành thời gian "vi hành" như thế này trong tương lai. Ngay sau những lúng túng của bộ máy được làm bật ra, được chỉ dẫn để thay đổi thì cuối cùng hiệu quả phục vụ của chính quyền các cấp sẽ được nâng lên tương xứng với đòi hỏi của thực tế.